Cao Lê Minh Long 10 giờ trước
Người theo dõi

BAF "trắng" doanh thu nông sản, lãi sau thuế quý 2/2025 vẫn tăng gấp 5 lần cùng kỳ

Kết quý 2/2025, BAF tiếp tục không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động thương mại nông sản, song phần doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng mạnh đã khiến lãi sau thuế công ty vọt lên mức 196,2 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã CK: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025 với doanh thu thuần đạt 1.387,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động thương mại nông sản, toàn bộ doanh thu đều đến từ mảng chăn nuôi.

Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán giảm mạnh 13,4% xuống còn 1.044,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng vọt lên 342,5 tỷ đồng – gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng vọt từ 1,8 tỷ đồng lên 13,3 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 33,3 tỷ lên 59,8 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 78,9%. Chi phí tài chính cũng ghi nhận mức tăng mạnh, đạt 70 tỷ đồng – trong đó riêng chi phí lãi vay chiếm tới 62,2 tỷ đồng.

Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt 210,3 tỷ đồng, tăng gấp hơn ba lần so với mức 68,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Khấu trừ chi phí, BAF báo lãi sau thuế 196,2 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi BAF niêm yết, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của BAF đạt 2.510,9 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương 44,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 329,7 tỷ đồng – tăng 113% so với nửa đầu năm trước, hoàn thành 51,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến 30/6/2025, tổng tài sản của BAF đạt 8.522 tỷ đồng, tăng 1.073 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị 2.231,9 tỷ đồng, chiếm hơn 26% cơ cấu tài sản, chủ yếu do chi phí sản xuất dở dang và nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, chi phí trả trước dài hạn ghi nhận 979,9 tỷ đồng, tăng 128,1 tỷ đồng sau 6 tháng, tương đương mức tăng 15%.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm từ 4,513,2 tỷ đồng xuống còn 4.255,8 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay tài chính ngắn và dài hạn đạt 2.583,6 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên