Thanh Giang 4 giờ trước
Người theo dõi

AI và 'cơn khát điện'

Trung tâm dữ liệu của các ‘ông lớn’ như Amazon, Microsoft, Meta đang ngày càng ‘ngốn’ nhiều điện. Đây là lý do vì sao các công ty năng lượng Mỹ đang đổ số tiền kỷ lục vào xây dựng nhà máy điện và đường truyền nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Chi tiêu vốn ngành tiện ích Mỹ dự kiến đạt 212,1 tỷ USD vào năm 2025, tăng 22,3% so với năm ngoái và cao hơn 129% so với thập kỷ trước. Con số này được dự báo đạt đỉnh vào năm 2027 với 228,1 tỷ USD, theo ngân hàng đầu tư Jefferies.

“Các công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào phát và truyền điện để tái công nghiệp hóa nền kinh tế. Sau nhiều năm thiếu hụt đầu tư, nay dòng vốn tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu”, ông Julien Dumoulin-Smith – chuyên gia từ Jefferies – nhận định.

Các công ty điện lực đầu tư số tiền khủng để đáp ứng nhu cầu trung tâm dữ liệu (Nguồn: Financial Times)

Song, các doanh nghiệp và chính quyền Mỹ đang phải gánh chi phí khổng lồ để xây dựng hạ tầng phục vụ AI trong khi vẫn phải kiểm soát giá điện cho người dân.

Trong trường hợp trung tâm dữ liệu đẩy chi phí sang hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, kế hoạch mở rộng quy mô của các nhà máy điện sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

“Rủi ro lớn nhất là chi phí. Kể từ đại dịch, hóa đơn điện của người dân đã tăng khoảng 10% mỗi năm. Sẽ đến lúc chính trị gia, đại diện người tiêu dùng và cơ quan quản lý phải vào cuộc”, ông Nicholas Campanella – chuyên gia phân tích ngành điện tại Barclays cho biết.

Cơn khát điện

Nhu cầu điện tại Mỹ được dự báo sẽ tăng 25% vào năm 2030 và 78% vào năm 2050 so với mức năm 2023. Giá điện sinh hoạt có thể tăng từ 15% đến 40% tại một số khu vực, theo báo cáo của công ty tư vấn ICF.

Một giải pháp để cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu mà không đè gánh nặng lên người đóng thuế là để các ‘ông lớn’ như Amazon, Microsoft và Meta chia sẻ chi phí với công ty điện, thông qua trả trực tiếp hoặc biểu giá đặc biệt.

“Nếu chúng tôi phải xây trạm biến áp hay kéo đường truyền, chúng tôi sẽ tính trực tiếp cho khách hàng là các trung tâm dữ liệu”, ông Bob Frenzel – CEO của Xcel Energy – cho biết.

Chi phí điện tại Mỹ đã tăng vọt kể từ đại dịch (Nguồn: Financial Times)

Trong khi đó, ông Gustavo Garavaglia – CEO AES Utilities – khẳng định sẽ không để người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi xây trung tâm dữ liệu, bằng cách giới hạn lượng điện và thời hạn tiêu thụ đối với các trung tâm này.

Hồi tháng 3, Dominion Energy – nhà cung cấp điện cho bang Virginia, nơi tập trung nhiều trung tâm dữ liệu nhất nước Mỹ – đã đề xuất cơ chế giá riêng cho các khách hàng tiêu thụ từ 25 megawatt trở lên, với điều kiện hợp đồng ít nhất 14 năm.

Tuy nhiên, việc xác định quy mô đầu tư và người trả tiền không dễ, do các tập đoàn công nghệ thường tiếp cận nhiều công ty điện cùng lúc.

Mặt khác, một số trung tâm dữ liệu được xây gần nhà máy điện, giúp giảm nhu cầu nâng cấp hạ tầng truyền tải. Nhưng điều này có thể yêu cầu lưới điện phải được nâng cấp, từ đó tạo ra các chi phí gián tiếp khó xác định.

Trái lại, một số chuyên gia cho rằng giá điện thấp chính là lý do khiến nhiều nhà máy điện có nguy cơ bị đóng cửa.

“Chúng ta đã được hưởng điện giá rẻ quá lâu, cách đây vài năm, nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ đóng cửa vì giá quá thấp”, theo ông Dan Eggers – Giám đốc tài chính của Constellation Energy. 

Không chỉ các công ty điện lực, các nhà phát triển tư nhân cũng đang rót vốn lớn vào phát điện và truyền tải. 

Đơn cử như dự án đường truyền Grain Belt Express dài 800 dặm của Invenergy, trị giá 11 tỷ USD. Đường truyền này sẽ đi qua 4 bang thuộc khu vực Trung Tây của Mỹ.

Nguồn tham khảo: Financial Times

Chia sẻ
Báo cáo
Thanh Giang Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên