AGM 2025 TCB: Chốt mục tiêu lãi 31.500 tỷ đồng, sẵn sàng tham gia platform blockchain và tiền số, kiên định mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD, IPO TCBS trong năm 2025!
06:18 26/04/2025
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đã nhấn mạnh như vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đã nhấn mạnh như vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).
Cụ thể, trả lời thành viên DFF.VN về thông tin Techcombank đang nghiên cứu hợp tác với một đơn vị viễn thông lớn để làm dự án chuyển mạch quốc gia - tương tự NAPAS và “Techcombank hay TCBS có tham gia mở sàn giao dịch tiền số hay không?”, ông Hồ Hùng Anh cho biết: Việc tham gia vào blockchain, tài sản số và chuyển mạch không phải “đề tài” quá mới trong chiến lược chuyển đổi số của nhiều tổ chức tài chính, bao gồm cả Techcombank.
“Khi có cơ hội và luật cho phép, Techcombank cũng muốn tham gia, sở hữu những platform như vậy. Việc phê duyệt đến đâu thì cần có thời gian và kết quả sẽ được Techcombank công bố công khai”, ông Hùng Anh nói.
Chia sẻ thêm tại buổi họp báo hậu AGM 2025, CEO Jens Lottner cho biết TCBS đang chờ đợi cơ hội để tham gia vào blockchain và tài sản số. "TCBS chắc chắn sẽ nhảy vào các lĩnh vực này", ông Lotter nói.
"Chúng tôi đang nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đánh giá tính hợp pháp của tài sản số, chẳng hạn như: Giao dịch nào được cho phép? Cơ chế vận hành sàn giao dịch ra sao?", vị CEO thông tin thêm.
Ban chủ tọa điều hành AGM 2025 của Techcombank
Dự kiến IPO TCBS trong năm 2025
Chia sẻ với cổ đông về kế hoạch IPO TCBS, Chủ tịch Techcombank cho biết đã làm việc với 1-2 nhà đầu tư lớn. "Có thể họ sẽ tham gia trước, trong quá trình pre-IPO. Đánh giá của các nhà đầu tư là rất khả quan. Chi tiết cụ thể tôi chưa thể trả lời được nhưng có thể khẳng định họa đánh giá cao vị thế của TCBS", ông Hùng Anh cho hay.
Theo lãnh đạo Techcombank, việc IPO TCBS dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2025. Thời gian cụ thể phụ thuộc vào thị trường tài chính, thị trường chứng khoán (như việc nâng hạng thị trường). "Chúng tôi sẽ lựa chọn thời cơ nhưng cũng sẽ sớm thôi", "soái" Hồ Hùng Anh nói.
Dù vậy, Chủ tịch Techcombank cho rằng việc sử dụng số tiền thu được từ việc IPO mới là điều quan trọng hơn cả. "Một bên thì chúng ta phát hành tạo giá trị, một bên thì áp lực nhận vốn vào, phải duy trì tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cao", ông bộc bạch.
Kiên định mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD
Chủ tịch Techcombank cho biết, cam kết lớn nhất mà Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành Techcombank đang theo đuổi là đạt được giá trị vốn hóa 20 tỷ USD vào cuối năm 2025.
"Soái" Hùng Anh nhớ lại, khi IPO lần đầu tiên vào năm 2018, “thị trường định giá Techcombank gấp 4,5 lần”.
"Các cổ đông cũ của Techcombank có thể nhớ lại năm 2017, giá cổ phiếu Techcombank chỉ ở mức 10.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng khi IPO thành công, giá cổ phiếu đạt 127.000 đồng chỉ trong hơn một năm”, ông Hùng Anh kể.
“Tất nhiên, chúng tôi không nói rằng kỳ tích đó sẽ lặp lại, nhưng với nền tảng hiện nay của Techcombank, chúng tôi hoàn toàn có thể tin rằng mình sẽ đạt được những cột mốc như vậy (20 tỷ USD)", Chủ tịch Techcombank nói.
Ông Hồ Hùng Anh trả lời câu hỏi của cổ đông tại AGM 2025
Củng cố thêm cho quan điểm của mình, ông Hồ Hùng Anh dẫn chứng số liệu cho thấy sức khỏe tài chính của Techcombank đã được bồi tụ đáng kể, với quy mô vốn chủ sở hữu đạt gần 170.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng có một số thuận lợi ở các lĩnh vực có thể mạnh trong năm 2025, bao gồm việc trường trái phiếu quay trở lại, thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục và các nhà đầu tư tin tưởng hơn.
Ngoài ra, Techcombank đang phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu toàn diện của người dùng và ngày càng khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, “Techcombank cần thời gian” để nhà đầu tư thực sự tin tưởng rằng ngân hàng có thể phát triển bền vững.
Chủ tịch Techcombank thừa nhận yếu tố như thuế quan cũng có tác động không nhỏ đến chiến lược của ngân hàng, nhưng ông vẫn hy vọng ngân hàng sẽ dần đạt được các mục tiêu của mình.
"Chúng tôi rất tin tưởng rằng khi thời điểm đến, giá trị sẽ bùng nổ", ông Hùng Anh nói.
“Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc vào thị trường và các yếu tố vĩ mô. Điều này cũng đã được khẳng định qua giá trị cổ phiếu của Techcombank, với mức tăng trưởng trong khoảng nửa năm trở lại đây”, vị tỷ phú nhấn mạnh.
CEO lý giải việc chấm dứt thỏa thuận phân phối độc quyền với Manulife
Cụ thể, lãnh đạo Techcombank cho rằng ngân hàng sẽ có sự chủ động khi tự mở công ty bảo hiểm khắc phục được những điều chưa hợp lý trong mối quan hệ với Manulife.
"Liên quan đến bảo hiểm, niềm tin rất quan trọng. TCB cần chứng tỏ sẽ mang lại gì cho khách hàng", ông Lottner nói.
“Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ mang đến nhiều giá trị cho khách hàng. Chúng tôi đã nộp hồ sơ thành lập công ty bảo hiểm, hy vọng sẽ sớm nhận được giấy phép từ Bộ Tài chính", CEO Techcombank nhấn mạnh.
Techcombank là ngân hàng có giao dịch qua NAPAS lớn nhất Việt Nam
9h15: Theo CEO Techcombank, số lượng nhân viên của nhà băng này không có nhiều thay đổi so với giai đoan 2020-2021 nhưng đã hiệu quả hơn. Nhờ đó, thu nhập của cán bộ nhân viên Techcombank đã tăng khoảng 40%.
Nhà băng này cũng đang nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm có giá trị mới cho khách hàng, sử dụng công nghệ để tiếp cận các khách hàng ở những nơi chưa có chi nhánh vật lý. Hiện, Techcombank là ngân hàng đang có giao dịch qua NAPAS lớn nhất Việt Nam.
9h11: Bà Nguyễn Thị Dịu - Thành viên HĐQT TCBS, Phó Chủ tịch HĐQT Masterise Group, Tổng giám đốc One Mount Group - cũng xuất hiện tại AGM 2025 của Techcombank.
CEO One Mount Group Nguyễn Thị Dịu
9h10: Theo đại diện Techcombank, có 281 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền tham dự AGM 2025 của ngân hàng, đại diện cho 74,71% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. AGM 2025 của Techcombank đủ điều kiện tiến hành.
9h05: "Soái" Hồ Hùng Anh đến rồi. Vị Chủ tịch Techcombank tiến thẳng vào khán phòng tổ chức AGM 2025.
9h00: Theo ghi nhận của thành viên DFF.VN, hàng loạt lãnh đạo Techcombank đã có mặt tại khán phòng, vẫn chưa thấy sự xuất hiện của "soái" Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT TCB.
8h53: Nhiều cổ đông đã thực hiện xong thủ tục checkin, khán phòng tổ chức AGM 2025 dần được lấp đầy.
8h43: Theo ghi nhận của thành viên DFF.VN, CEO Techcombank Jens Lottner đã sớm có mặt tại AGM 2025. Ông liên tiếp có những cuộc trao đổi khá niềm nở với hàng loạt nhân vật người nước ngoài.
Trong ảnh, CEO Jens Lottner đang trao đổi với một nhân sự người nước ngoài mặc áo sơ mi màu đỏ, trùng với màu logo của Techcombank
‘Techcombank đã sẵn sàng trở thành một phần trong hành trình xây dựng chiến lược blockchain và tiền tệ số’, một trong những tờ trình AGM 2025 được ký bởi Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, đề ngày 2/4, nêu.
Nhiều tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM), trong đó có cả nội dung về kế hoạch kinh doanh năm 2025, được Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) công bố trên website chính thức hôm 2/4. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng gây sốc với Việt Nam.
Riêng tờ trình về phương án chia cổ tức năm 2024 được công bố “muộn” hơn, đề ngày 24/4, ngay trước thềm tổ chức AGM 2025.
Giới chóp bu của Techcombank hẳn đã có những cân nhắc kỹ lưỡng về việc chia cổ tức bằng tiền, trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ghi nhận những tín hiệu tích cực đầu tiên.
Theo tờ trình, ban lãnh đạo Techcombank đề xuất chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10% (tức mỗi cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Với 7,06 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Techcombank dự chi 7.064,8 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Thời điểm và tiến độ thực hiện là trước ngày 31/12/2025.
“Với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15% là hoàn toàn khả thi”, tờ trình nêu.
Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của Techcombank (Nguồn: TCB)
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, AGM Techcombank đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng tăng trưởng 16,4% (dựa trên mức room tín dụng đã được NHNN cấp từ đầu năm); tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn 1,5%.
Ban lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định Techcombank đã sẵn sàng trở thành một phần trong hành trình xây dựng chiến lược blockchain và tiền tệ số, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số từ năm 2026 trở đi.
Như đã biết, One Mount Group - thành viên của “hệ sinh thái tài chính Techcombank” - vào tháng 1/2025, đã nhận nhiệm vụ xây dựng mạng Blockchain Layer 1 “Make in Vietnam”.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới “chân kiềng” thứ 3 của hệ sinh thái này: Masterise Homes. Mà như một thành viên DFF.VN từng chỉ ra, vợ và con trai của ông Hồ Hùng Anh - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và ông Hồ Anh Minh - đã ra mặt tại CTCP Tập đoàn Masterise Group (Masterise Group).
Ở lĩnh vực bảo hiểm, tháng trước, Techcombank đã bắt tay cùng Vingroup lập Công ty bảo hiểm nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ dự kiến là 1.300 tỷ đồng. Trong đó Techcombank góp 1.040 tỷ đồng để nắm 80% cổ phần. Cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC).
Diễn biến giá cổ phiếu TCB trong 1 năm trở lại (Nguồn: TradingView)
Techcombank còn cách mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD bao xa?
Trở lại với Techcombank, những ai dõi theo AGM 2024 của ngân hàng này hẳn còn nhớ những tuyên bố đầy tự tin của “soái” Hồ Hùng Anh, rằng: Mục tiêu đến năm 2025 vốn hóa của Techcombank đạt 20 tỷ USD, vốn hóa của TCBS đạt 5 tỷ USD là rất thực tế!
Cập nhật tới kết phiên ngày 25/4/2025, vốn hóa của Techcombank vẫn còn cách xa mục tiêu trên. Với mức giá đóng cửa của cổ phiếu TCB ở mức 25.950 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Techcombank hiện đạt khoảng 183.332 tỷ đồng, tức 7 tỷ USD.
Game bán vốn Techcombank cũng được lãnh đạo nhà băng này “đánh tiếng” từ nửa năm trước, trong một động thái truyền thông chủ động.
Mục tiêu được khoanh vùng rất rõ là "một nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ và có khả năng tiếp cận các hành lang thương mại như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc" - theo những gì CEO Jens Lottner nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 11/2024.
Cũng tại cuộc phỏng vấn này, ông Lottner còn tiết lộ một trong những cổ đông ngoại lớn nhất của Techcombank, nắm giữ khoảng 8-9% cổ phần, đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi nhà băng này.
Vesta VN Investments B.V và người có liên quan nắm 7,941% vốn Techcombank, đứng bằng lượng cổ phần của COG Investment I B.V và người có liên quan nắm giữ theo văn bản Techcombank công bố ngày 17/7/2024
Lần lại các danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn được Techcombank công bố từ năm 2024 tới nay, người viết nhận thấy lượng lớn cổ phần của khối ngoại tập trung vào hai tổ chức và nhóm cổ đông có liên quan, là COG Investment I B.V và Vesta VN Investments B.V. Tại thời điểm cập nhật gần nhất - ngày 17/7/2024, hai tổ chức này và người có liên quan nắm ngót 15% vốn Techcombank./.
Nội dung liên quan
- “Soái” Hồ Hùng Anh nói về mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD của Techcombank: Khi thời điểm đến, giá trị TCB sẽ bùng nổ
- IPO TCBS: Đang chờ 'thời cơ' nhưng sớm thôi!
- Bố làm chủ tịch ngân hàng, con làm CEO tập đoàn bất động sản
- Techcombank – Vingroup: Thắt chặt thâm tình, “bắt tay“ lập công ty bảo hiểm nhân thọ vốn 1.300 tỷ đồng
- One Mount Group, Masterise Homes và “hệ sinh thái tài chính Techcombank”