AGM 2025 MB: Kỷ lục hơn 4.400 cổ đông tham dự, báo lãi quý 1 gần 8.400 tỷ đồng, chốt phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu MBB
06:00 26/04/2025
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã CK: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (AGM 2025).
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã CK: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (AGM 2025).
Cổ đông tấp nập check-in tại AGM 2025 của MB
Tính đến thời điểm biểu quyết, AGM 2025 của MB có sự tham dự của hơn 4.400 cổ đông và người được uỷ quyên, đại diện cho 4,3 tỷ cổ phiếu, chiếm 71,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây có lẽ là kỳ đại hội có số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay!
Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB - cho biết AGM năm nay của ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các cổ đông khi 1.500 chỗ ngồi trong hội trường đều được lấp kín.
"Sang năm chúng ta sẽ tổ chức đại hội tại hội trường nhà hát ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia với 3.000 chỗ ngồi để cho cổ đông được tham dự đầy đủ", lãnh đạo MB thông tin.
Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh tại AGM 2025
Về kết quả kinh doanh quý 1/2025, ông Ánh cho biết tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng 2,5%. Tín dụng đạt 829.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,2%.
"Nếu tính cả dư nợ bán nợ qua cho MBV theo đề án tái cơ cấu thì tín dụng MB tăng khoảng 6% trong quý 1", ông Ánh nói.
Lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 8.386 tỷ đồng, tăng trưởng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số hiệu quả ROE đảm bảo ở mức 22,2%.
Phiên thảo luận
- Tại sao ngân hàng vừa có kế hoạch tăng vốn (chủ yếu bằng cổ phiếu) vừa đề xuất phương án mua lại cổ phiếu quỹ, qua đó giảm vốn?
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Kế hoạch tăng vốn như đã trình bày. Phương án mua lại khoảng 100 triệu cổ phiếu (tương đương chưa đến 1,2% tổng số cổ phiếu sau khi tăng vốn) thực chất là một phương án dự trù.
Đây là công cụ để ngân hàng chủ động ứng phó trong tình huống thị trường có biến động xấu, ví dụ như những thay đổi chính sách lớn trên thế giới.
Việc này tương tự như những gì chúng ta đã làm thành công trong quá khứ, nhằm hỗ trợ thị trường, ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Phương án dự trù này không ảnh hưởng nhiều đến hệ số an toàn vốn nhưng cung cấp cho ngân hàng một công cụ cần thiết trong giai đoạn nhiều biến động.
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái tại AGM 2025
Đã có kịch bản cho những tác động từ các chính sách thuế quan từ Mỹ
- Cổ đông: Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng đã dự trù những ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ chưa?
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Kế hoạch trình Đại hội cổ đông năm 2025 đã có sự dự trù cơ bản cho các tình huống này.
Quý vị có thể thấy, quy mô tăng trưởng tín dụng chúng tôi dự kiến năm nay là khoảng 24-25% (dựa trên dự kiến phân bổ chỉ tiêu từ Ngân hàng Nhà nước là khoảng 16%).
Chỉ tiêu tăng trưởng này cho phép ngân hàng điều chỉnh danh mục và tốc độ tăng trưởng phù hợp với các ngành kinh tế. Chúng tôi cũng kiểm soát tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) như đã báo cáo.
Đặc biệt, chúng tôi giữ mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức hợp lý, khoảng 10%, dù doanh thu dự kiến tăng 20-25%. Điều này thể hiện sự dự trù cho những khó khăn có thể xảy ra, bao gồm cả áp lực tăng nợ xấu, đặc biệt từ các nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị tác động nếu các chính sách thương mại quốc tế thay đổi, dẫn đến tác động tâm lý.
- Tỷ trọng cho vay các doanh nghiêp FDI và xuất khẩu là bao nhiêu? MB có chuẩn bị các kịch bản dự phòng cho nhóm khách hàng này không?
Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh: Tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp FDI và trong nước có xuất khẩu đi Mỹ ở MB là không lớn, chỉ chiếm 0,6% tổng dư nợ.
Chúng tôi là làm nhiều bán lẻ hơn. Hiện nay, chúng tôi cũng đang rà soát lại những khách hàng nào có tỷ trọng xuất khẩu đi Mỹ cao để có những hỗ trợ kịp thời cho các khách hàng doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, với tỷ trọng cho vay vào nhóm này chỉ chiếm khoảng 0,6%, MB đánh giá không cần thiết phải xây dựng kịch bản dự phòng đặc biệt ở thời điểm hiện tại.
Quan điểm của MB là luôn đồng hành cùng khách hàng. Với những khách hàng đã, đang có quan hệ tín dụng và đồng hành với MB, nếu gặp khó khăn hay biến cố bất ngờ, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để cùng vượt qua.
- Tại sao chi phí dự phòng rủi ro tăng mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lại giảm? Liệu nợ xấu (NPL) có tăng không và giải pháp cho năm 2025 là gì?
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Tỷ lệ NPL riêng ngân hàng mẹ là 1,39% (so với 1,35% năm 2023). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng mẹ năm 2024 là 155%, giảm so với mức 161% năm 2023.
Xu thế chung cho thấy NPL có nhích nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ NPL của MB vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn ngành (khoảng 2,8% năm 2024).
Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều suy giảm trong năm 2024 do bối cảnh kinh tế khó khăn. MB không nằm ngoài xu thế này, nhưng chúng tôi đã chủ động ghi nhận NPL sớm và tăng chi phí trích lập dự phòng để bảo vệ chất lượng tài sản. Kế hoạch cho năm 2025 là chúng tôi sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu quay lại mức trên 100%.
Liên quan đến câu hỏi về ảnh hưởng của nợ xấu liên đới (nợ xấu của khách hàng tại các ngân hàng khác được ghi nhận qua CIC) đến tỷ lệ NPL của MB. Báo cáo quý vị, tỷ lệ này khá cao. Nợ xấu phát sinh do yếu tố liên đới này chiếm đến 16% tổng quy mô nợ xấu của MB. Nghĩa là, trong 100 đồng nợ xấu của MB, có 16 đồng là do khách hàng đó cũng đang có nợ xấu tại một ngân hàng khác.
MB áp dụng chuyển đổi số và AI không phải để cắt giảm nhân sự
- Trong xu thế chuyển đổi số , AI và tinh giản bộ máy hiện nay, sao ngân hàng vẫn tăng thêm gần 1.000 nhân sự trong năm qua? Định hướng phát triển chuyển đổi số của ngân hàng?
Phó Chủ tịch Vũ Thành Trung: Quan điểm của MB khi làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự.
Chúng tôi làm chuyển đổi số để tăng năng suất lao động cho lực lượng cán bộ nhân viên. Khi họ tăng năng suất lao động, họ có các công cụ hỗ trợ, và những công việc đơn giản trước đây sẽ do chuyển đổi số đảm nhiệm.
Điều này cho phép họ chuyển dịch sang các mảng việc có giá trị hơn. Do đó, quan điểm của MB về chuyển đổi số không bao giờ là cắt giảm người, mà là để tăng năng suất lao động và chuyển dịch lao động sang các mảng công việc có giá trị hơn.
Về định hướng phát triển chuyển đổi số quan điểm của MB là mọi thành phần đều phải tham gia mạnh mẽ vào chuyển đổi số và công nghệ. Với năng lực công nghệ rất mạnh, nhiều kinh nghiệm làm chuyển đổi số (8 năm) và lực lượng công nghệ thông tin khoảng 2.500 người, MB chúng tôi đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiến sang những không gian mới.
Đó cũng là lý do MB trong thời gian tới sẽ tìm hướng phát triển ở các không gian mới, ví dụ như tài sản số, nền tảng xã hội số, hay công nghiệp công nghệ số. Tôi nghĩ rằng trong vòng một đến ba năm tới, quý vị cổ đông có thể sẽ thấy MB có những nguồn thu mới từ các mảng này.
- Đề nghị ban lãnh đạo chia sẻ về tình hình CASA của ngân hàng? MB có những giải pháp nào để cải thiện CASA trong tương lai?
Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh: Giai đoạn 2023-2024, MB đều duy trì tỷ lệ CASA thời điểm cuối năm ở mức 39-40%.
Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu này cho năm 2025. MB là một doanh nghiệp số và chúng tôi có lượng khách hàng rất lớn. Năm vừa rồi là 30,2 triệu và năm nay dự kiến là 35 triệu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu có 40 triệu khách hàng.
Chúng tôi cũng đang tính toán các cái giải pháp công nghệ để hỗ trợ cho khách hàng nhằm giữ được tỷ lệ CASA đã đạt được trong năm vừa qua.
- Tình hình cho vay đối với các dự án điện hưởng giá ưu đãi FIT 1, FIT 2? Khả năng thu hồi cơ chế giá ưu đãi?
Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh: Hiện tại, chưa có bất kỳ quyết định chính thức nào về việc thu hồi FIT 1 hay FIT 2. Đây là các chính sách giá ưu đãi dành cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió.
Thời gian qua, EVN có hiện tượng chậm thanh toán tiền điện cho các dự án thuộc diện hưởng FIT 1, FIT 2 – chủ yếu do chờ hướng dẫn cơ chế mới từ Chính phủ.
Việc này đã khiến một số doanh nghiệp và hiệp hội trong ngành kiến nghị lên Bộ Công thương và bày tỏ lo ngại về khả năng bị thu hồi cơ chế ưu đãi FIT 2. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ quyết định thu hồi nào được ban hành.
Về phía MB, một số ít khách hàng có thể chịu ảnh hưởng bởi việc EVN chậm thanh toán, nhưng trên sổ sách, ngân hàng vẫn đang kiểm soát được rủi ro và chưa ghi nhận tác động lớn nào liên quan đến khả năng thu hồi FIT.
Nhận chuyển giao MBV là cơ hội để MB tăng trưởng cao hơn
- Việc nhận chuyển giao bắt buộc MBV có ảnh hưởng tiêu cực đến MB không?
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Câu hỏi đặt ra là MB làm được gì khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, cụ thể là trường hợp xử lý một đơn vị (MBV) có vốn chủ sở hữu âm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Quý vị thấy rằng con số âm này vừa rồi đã giảm xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do việc điều chỉnh, loại bỏ phần vốn điều lệ của ngân hàng đó, tương đương hơn 4.300 tỷ đồng. Đây chỉ là sự điều chỉnh về mặt sổ sách kế toán.
Đây là tác động tích cực đối với ngân hàng và cổ đông. Nó lý giải tại sao chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng quy mô từ 25% đến 35%, cao hơn đáng kể so với mức dự kiến của toàn thị trường chỉ khoảng 15% đến 17%. Mức tăng trưởng này của chúng ta có được là nhờ chính sách hỗ trợ liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc.
Vì vậy, việc nhận chuyển giao này mang lại cơ hội tốt cho MB.
Hiện nay, các tác động tiêu cực tiềm ẩn (như phần vốn âm của ngân hàng được chuyển giao) chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số tài chính của MB, bởi vì chúng ta chưa hợp nhất báo cáo tài chính của đơn vị đó. Theo quy định pháp luật hiện hành, việc chưa hợp nhất ở giai đoạn này là được phép.
Chốt phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, quyết tâm lãi 1,2 tỷ USD
AGM 2025 của MB đã thông qua phương án mua lại tối đa 100 triệu cổ phiếu, tương đương 1,6% vốn điều lệ. Mục đích nhằm "bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB".
Nguồn vốn thực hiện thương vụ được lấy từ thặng dư vốn cổ phần theo báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc soát xét của MB tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 và 2026.
Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của MB sẽ giảm tối đa 1.000 tỷ đồng, tương ứng giảm từ 61.022,7 tỷ đồng xuống còn 60.022,7 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, AGM 2025 của MB thống nhất với mục tiêu nhuận trước thuế tăng khoảng 10% so với năm trước, tương ứng khoảng 31.700 tỷ đồng (1,2 tỷ USD).
Đại hội cũng thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 20.300 tỷ đồng, bao gồm việc tiếp tục thực hiện phương án chào bán 62 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32%.
Ngoài ra, AGM 2025 thông qua phương án góp tối đa 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV) – ngân hàng "0 đồng" được MB nhận chuyển giao bắt buộc vào tháng 10/2024.
MBV tiền thân là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Tại ngày 31/12/2024, MBV có quy mô tổng tài sản đạt 46.232 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.795 tỷ đồng; huy động vốn từ khách hàng đạt 46.958 tỷ đồng; lỗ lũy kế 15.688 tỷ đồng./.