Việt Anh Thứ Ba, 1/4/2025, 14:04 (GMT+7)
Người theo dõi

AGM 2025 FPTS: Chưa có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông, không tự doanh trên sàn, chưa chốt lời MSH

Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán FPT (FPTS – Mã CK: FTS) Nguyễn Điệp Tùng đã cho biết như vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025) vừa diễn ra.

AGM 2025 của FPTS có dự tham dự của 134 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 220,2 triệu cổ phần, chiếm 71,99% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, đại hội không có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT FPTS. Ông Dũng ủy quyền cho Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng điều hành đại hội.

Tại AGM 2025, cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo FPTS về "mục tiêu lợi nhuận đi lùi" dù thị trường chứng khoán năm nay được đánh giá có nhiều yếu tố tích cực.

Trả lời vấn đề này, ông Tùng cho rằng doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán trên thị trường đã giảm rất mạnh. Do đó, không thể nói tình hình thị trường hiện nay là tích cực đối với các công ty chứng khoán.

"Con số tăng trưởng của các công ty chứng khoán phải dựa trên phí giao dịch, phí margin, hoặc tự doanh. FPTS không nhìn thấy sự tăng trưởng về những con số này nên công ty đặt mục tiêu lợi nhuận tương tự như năm 2024", ông Tùng nói.

Về kế hoạch huy động vốn từ cổ đông, CEO FPTS cho rằng việc này phải đi cùng kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả. Nếu không thực hiện được thì huy động vốn không phải là phương án tốt.

"Việc huy động vốn phải dựa trên một kế hoạch kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Không phải thấy người khác tăng vốn thì mình cũng tăng. FPTS chưa nhìn thấy hiệu quả của kế hoạch này", ông Nguyễn Điệp Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Điệp Tùng (phải) - Tổng giám đốc FPTS

Chia sẻ về chiến lược tự doanh, CEO FPTS cho biết công ty không tự doanh trên sàn, bởi việc này sẽ mâu thuẫn quyền lợi với khách hàng của FPTS. Công ty chỉ tự doanh thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, như trường hợp của CTCP May Sông Hồng (Mã CK: MSH).

"Đối với MSH, FPTS đã đi cùng doanh nghiệp này hơn 10 năm qua. Công ty chưa tính đến việc chốt lời nếu khoản đầu tư này còn mang lại hiệu quả cho cổ đông, ít nhất là trong năm 2025", ông Tùng nói.

"Chốt" mục tiêu lợi nhuận đi lùi, tăng vốn thêm 400 tỷ đồng từ chia cổ phiếu thưởng và ESOP

AGM 2025 của FPTS đã thông qua kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, giảm 0,6% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, giảm 2,5%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất so với kết quả thực hiện từ năm 2021 tới nay.

Kế hoạch kinh doanh nêu trên được FPTS đưa ra trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 đạt khoảng 2,8% – 3,3%, tương đương năm 2024. Chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống KRX dự kiến vận hành trong năm nay, song thị trường sẽ không có thêm sản phẩm mới và có rất ít cổ phiếu mới được niêm yết, đăng ký giao dịch. Các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm phí giao dịch và lãi suất cho vay margin để thu hút khách hàng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, FPTS dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%, tương đương khoảng 152,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, AGM 2025 của FPTS cũng thông qua kế hoạch phát hành 30,5 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành là 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới); phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp.

Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của FPTS sẽ tăng từ mức 3.059,2 tỷ đồng lên 3.465 tỷ đồng.

Khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng của FPTS có gì? 
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của FPTS, tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của công ty chứng khoán này đạt 9.759,5 tỷ đồng, tăng 18,5% so với đầu năm. Trong đó, cho vay margin chiếm 68%, đạt mức 6.650,5 tỷ đồng, tăng 48,4%. 
Phần lớn tài sản còn lại của FPTS là các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), với giá gốc ở mức 1.428,5 tỷ đồng và giá trị hợp lý là 1.914 tỷ đồng. Danh mục FVTPL của FPTS chủ yếu là tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi (732 tỷ đồng) và trái phiếu (679,9 tỷ đồng). 
Đáng chú ý, danh mục cổ phiếu niêm yết của FPTS có giá gốc chỉ 14,5 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý lên tới 500 tỷ đồng, với sự đóng góp chủ yếu bởi khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng (giá gốc 13,4 tỷ đồng, giá trị hợp lý 498,7 tỷ đồng). 
Đẩy mạnh cho vay, FPTS cũng tích cực sử dụng các công cụ nợ. 
Tại ngày 31/12/2024, số dư nợ vay ngắn hạn của công ty này là 5.475,9 tỷ đồng, tăng 73,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngân hàng trong nước là 4.540 tỷ đồng, lãi suất 3,4% - 7,3%/năm. Vay các tổ chức, cá nhân khác là 935,9 tỷ đồng, lãi suất 2% - 5,8%/năm. 
Năm 2024, FPTS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.147,7 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm trước. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm hơn một nửa, đạt 589,2 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, công ty chứng khoán "họ" FPT báo lãi sau thuế 567,3 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2023./.
Chia sẻ
Báo cáo
Việt Anh Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên