Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã CK: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).

Toàn cảnh AGM 2025 của BIDV
AGM 2025 được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 68 năm thành lập BIDV – định chế tài chính lâu đời nhất Việt Nam, đồng thời cũng là nhà băng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (tại ngày 31/12/2024 đạt 2,76 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 100 tỷ USD).
Đại hội có sự tham dự của 305 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 6,7 tỷ cổ phần, chiếm 96,95% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2025, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%. Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn. Lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 30.609 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%. Như vậy, năm 2025, BIDV dự kiến đạt mức lợi nhuận riêng ngân hàng khoảng 32.400 – 33.700 tỷ đồng.
Phần thảo luận:
- Cổ đông: BIDV có hưởng ứng chủ trương và ứng cử tham gia thí điểm xây dựng sàn giao dịch tài sản số này hay không? Ngân hàng có sẵn sàng và mong muốn phát triển tài sản mã hóa ổn định (stablecoin) không?
Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc: Với vai trò là một ngân hàng thương mại Nhà nước, chúng tôi sẽ tích cực tham gia với các bộ ngành để triển khai những chương trình này, kể cả những việc liên quan đến sàn giao dịch tài sản số.
Tuy nhiên, nhiệm vụ lập các sàn giao dịch tài sản số sẽ dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. BIDV hiện nay không có chủ trương và cũng không có kế hoạch lập công ty để triển khai các sàn giao dịch này.
Việc lập sàn giao dịch số yêu cầu số vốn rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật và nhiều vấn đề khác. Chúng tôi không có kế hoạch, nhưng chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường với vài trò là một ngân hàng thương mại lớn có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường. BIDV sẽ tích cực tham gia đối với các vấn đề liên quan trong việc triển khai các sàn giao dịch này.
Về stablecoin, dự thảo nghị định liên quan tới tài sản này đã có những thay đổi, dự kiến bỏ nội dung phát hành stablecoin – tài sản số ổn định. Do đó, nội dung này xin phép không trả lời vì dự thảo ban đầu đã thay đổi.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV
- Định hướng tinh gọn bộ máy trong thời gian tới của BIDV như thế nào?
Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT: Trong năm 2024, BIDV đã sáp nhập 3 chi nhánh, chiếm tỷ lệ 1,5% trên tổng số 200 chi nhánh của ngân hàng. Việc sắp xếp mô hình kinh doanh luôn được điều chỉnh theo từng yêu cầu. BIDV sẽ căn cứ vào quy định pháp luật, nhu cầu, yêu cầu của thị trường và yêu cầu của chính ngân hàng để sắp xếp mô hình kinh doanh.
Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ: các ngân hàng thương mại được phép mở chi nhánh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là thúc đẩy tài chính bao trùm – nghĩa là làm sao để các dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp cận được với nhiều người dân và doanh nghiệp hơn, từ đó nâng cao khả năng bao phủ trên toàn hệ thống.
Ngoài ra, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của nhiều mô hình chi nhánh: từ chi nhánh vật lý, phòng giao dịch truyền thống đến các kênh phân phối số – phù hợp với xu hướng số hóa trong hoạt động ngân hàng.
Đây là các yếu tố đang tác động mạnh đến việc tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới hiện có. Đồng thời, năng suất lao động, chi phí kinh doanh và hiệu quả lợi nhuận cũng là những yếu tố then chốt cần cân nhắc khi hoạch định mạng lưới hoạt động của BIDV.
Đặc biệt, như đã biết, Nhà nước đang tiến hành sắp xếp lại hệ thống hành chính theo hướng tinh gọn, với mục tiêu còn 34 tỉnh thành.
Mặc dù các ngân hàng không thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập hoặc hợp nhất theo yêu cầu này, nhưng trên cơ sở những thay đổi về hành chính, cùng với xu hướng công nghệ, yêu cầu về tài chính bao trùm và chiến lược quản trị của BIDV, chúng tôi cũng đang xem xét để sắp xếp, tinh gọn lại mạng lưới chi nhánh theo hướng hiện đại hóa kênh phân phối.
Mục tiêu của BIDV trong giai đoạn 2025 – 2030 là sắp xếp một hệ thống phân phối hiện đại, hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới chỉ thực hiện hợp nhất ba chi nhánh – con số chưa phải là nhiều.
- Định hướng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2025 của BIDV là bao nhiêu? Trong bối cảnh chiến tranh thương mại thì kịch bản năm nay của ngân hàng sẽ ra sao? Tổng chi phí trích lập dự phòng dự kiến trong năm 2025 là bao nhiêu?
Ông Phan Đức Tú: Về chỉ tiêu lợi nhuận và chi phí dự phòng rủi ro, hai yếu tố này có mối liên hệ trực tiếp với nhau và hiện tại đang là những biến số chịu ảnh hưởng từ tình hình quốc tế, đặc biệt là căng thẳng thương mại với Mỹ.
Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam với mức 46% là một thông tin quan trọng, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng vì chúng ta đang trong giai đoạn 90 ngày hoãn áp dụng. Thời gian còn lại khoảng 75 ngày, sau đó mới có thể đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng đến chi phí dự phòng rủi ro và lợi nhuận của ngân hàng.
Ngay sau khi thông tin về việc áp thuế được công bố ngày 3/4, BIDV đã thành lập Ban Chỉ đạo để ứng phó với kịch bản này.
Đối vối BIDV, ảnh hưởng từ sự việc này là có. Tổng dư nợ của khối khách hàng bị ảnh hưởng mà chúng tôi đã thống kê là khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% dư nợ toàn hệ thống BIDV.
Các nhóm ngành chịu tác động lớn bao gồm: thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, da giày, máy móc vận tải, điện tử và bất động sản khu công nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, tôn mạ kẽm... bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ trợ cho khối FDI, logistics và sản xuất trong nước cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh khi hàng hóa Mỹ có thể được nhập khẩu về Việt Nam với thuế suất 0%.
Do tình hình chưa ngã ngũ, chúng tôi chưa thể đưa ra một dự báo chính thức. Tất cả vẫn đang phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của đàm phán với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với kịch bản thận trọng và sự chuẩn bị chu đáo, BIDV vẫn có thể kiểm soát tốt chất lượng tài sản như đã làm trong 4 năm vừa qua – giai đoạn mà lợi nhuận đã tăng gấp ba lần từ khoảng 10.000 tỷ đồng lên hơn 30.000 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV
- Kết quả kinh doanh quý 1/2025 ra sao? Ban lãnh đạo nhận định thế nào về tình hình nợ xấu trong thời gian tới?
Ông Lê Ngọc Lâm: Hết quý 1/2025, dư nợ tín dụng của BIDV đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7%. Lợi nhuận quý 1 đạt khoảng 7.019 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu là 1,65%, tăng nhẹ so với đầu năm.
Về diễn biến tình hình nợ xấu, điều này sẽ phụ thuộc vào thị trường. Trong giai đoạn hiện này, nhiều khách hàng có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát, làm việc cùng các khách hàng, các doanh nghiệp để có đánh giá tác động cụ thể.
Vì vậy, nợ xấu có thể tăng nhẹ trong giai đoạn tới. NIM của ngân hàng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Chốt tăng vốn lên 91.800 tỷ đồng, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập
AGM 2025 của BIDV đã thông qua 3 phương án tăng vốn điều lệ khủng, dự kiến nâng quy mô vốn điều lệ từ mức 70.213,6 tỷ đồng lên 91.869,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng 30,8% so với thời điểm cuối quý 1/2025.
Cụ thể, nhà băng này dự kiến phát hành 498,5 triệu cổ phiếu tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; phát hành 1,39 tỷ cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2023; và chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng 269,8 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2025 – 2026.
Ngoài ra, AGM 2025 của BIDV cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập và một thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Tân thành viên HĐQT độc lập của BIDV là ông Lê Quốc Nghị (SN 1965), hiện là Vụ trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước. Còn tân thành viên Ban kiểm soát là ông Huỳnh Phương (SN 1968) – cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (nay là Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki)./.
Nội dung liên quan
- Chủ tịch BIDV: Tăng trưởng tín dụng 16% là thách thức lớn, ngân hàng cần giữ lại lợi nhuận để tăng vốn
- Hé lộ KQKD Big4 ngân hàng năm 2024: Tài sản BIDV vượt 100 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng VietinBank gần 15%
- BIDV tăng vốn điều lệ lên 69.000 tỷ đồng
- BIDV chốt bán 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 38.800 đồng/cp cho 5 tổ chức, dự thu 4.800 tỷ đồng
- BIDV cắt giảm hơn 1.000 nhân sự trong năm 2024