AGM 2024 VPBank: Tự tin FE Credit sớm trở lại mạch lãi từ 3.000-4.000 tỷ đồng, SMBC giúp có thêm khách hàng FDI, lý giải việc nhận ngân hàng '0 đồng'
08:19 29/04/2024
Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024).
Tính đến 9h00, đại hội có sự tham dự của 180 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 6,52 tỷ cổ phần, chiếm 81,93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Phần thảo luận:
- Cổ đông: VPBank đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 khá tham vọng, trong đó FE Credit lãi 1.200 tỷ đồng. Đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu này? VPBank và SMBC có những biện pháp hỗ trợ gì cho FE Credit tăng trưởng trở lại?
Ông Nguyễn Đức Vinh: FE Credit là “đứa con chung” của VPBank và SMBC. Trong đó, VPBank nắm 50% vốn, còn SMBC nắm 49%.
VPBank và SMBC cùng bắt tay xây dựng lại hệ thống, đánh giá lại toàn bộ chiến lược, mô hình kinh doanh của FE Credit.
Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với mảng tài chính tiêu dùng. Dù có 16 tổ chức tài chính tiêu dùng hoạt động trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Trong đó, FE Credit là công ty lớn nhất, chiếm 50% thị phần.
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các công ty đều giảm thu nhập. FE Credit có quy mô lớn nhất nên cũng gánh chịu nhiều nhất.
Trong 2 năm qua, thị trường này có chiều hướng suy giảm, một số quy định gây ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ. Trong năm 2023, công tác thu hồi nợ của FE giảm hơn 50% hiệu quả.
Hiện nay, VPBank hỗ trợ FE Credit về hệ thống, nhân sự, tổ chức, chiến lược; hỗ trợ về vốn, tạo ra chi phí vốn (CoF) thấp hơn. Năm vừa qua, chúng tôi đã đưa COF của FE Credit từ 9-11% xuống còn 6-7%, cao hơn nhiều ngân hàng nhưng là mức thấp trong ngành tài chính.
Lộ trình khắc phục nợ xấu của FE Credit đã có, năm 2024 là năm bản lề. Chúng tôi kỳ vọng FE Credit sẽ có lãi trở lại trong năm nay, với lợi nhuận 1.200 tỷ đồng. Từ năm 2025 trở đi, mức lợi nhuận sẽ quay trở lại mức 3.000 – 4.000 tỷ đồng.
- Kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2024 ra sao, chi phí dự phòng dự kiến là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Đức Vinh: Trong Quý 1/2024, nợ xấu cải thiện ở một số nhóm nhưng vẫn ở mức cao. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. VPBanh dự kiến trích lập dự phòng khoảng 13.500 tỷ đồng; thu hồi nợ từ những khoản đã đưa ra ngoài bảng cân đối khoảng 3.000 tỷ đồng.
Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu giảm dần vào các tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025, hi vọng lúc đó sẽ thu hồi nợ xấu tốt hơn và giảm dự phòng tài chính. Trong trường hợp làm tốt hơn, thì số tiết kiệm dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai.
- Kế hoạch trả cổ tức các năm sau của VPBank?
Ông Ngô Chí Dũng: VPBank sẽ chia cổ tức trong vòng 5 năm liền, năm ngoái chia 10%, năm nay đề xuất chia 10%. Ngân hàng dự kiến dành ra 30% lợi nhuận để lại hàng năm để chia cổ tức cho các cổ đông. Mức chia cổ tức tiền mặt 10% là số lượng rất lớn.
Trước đó, VPBank đã có 12 năm liền không chia cố tức tiền mặt để giữ vốn chủ sở hữu ngân hàng ở mức cao duy trì hoạt động kinh doanh.
- Cổ đông chiến lược SMBC giúp gì cho VPBank?
Ông Ngô Chí Dũng: SMBC giúp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị tuân thủ, đây là nền tảng giúp VPBank nâng cao các chỉ số tài chính tiệm cận chuẩn quốc tế.
SMBC cũng tập trung hỗ trợ những năng lực mà VPBank gặp hạn chế, như nguồn vốn giá rẻ.
Bên cạnh đó, SMBC hỗ trợ VPBank tham gia vào lĩnh vực FDI, phục vụ nhà đầu tư nước ngoài.
Khối khách hàng doanh nghiệp lớn FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột phát triển của VPBank trong tương lai. SMBC sẽ hỗ trợ VPBank thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng đa năng, không chỉ tập trung vào bán lẻ, khách hàng cá nhân.
VPBank là 1 trong 3 ngân hàng có dư nợ cho vay mua nhà lớn nhất thị trường
- Dư nợ bất động sản tại VPBank ra sao?
Ông Ngô Chí Dũng: Chúng tôi đánh giá cho vay bất động sản là lĩnh vực an toàn. Chúng tôi chú trọng cho vay như nhà ở xã hội, không tài trợ bất động sản đầu cơ. Không chỉ VPBank, cho vay bất động sản vẫn được rất nhiều ngân hàng quan tâm.
Ông Nguyễn Đức Vinh: Nhóm bất động sản thì tôi đánh giá là ngành tiềm năng, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng nhưng cần kiểm soát chặt, được hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, tập trung phân khúc có nhu cầu mua thực/ở thực.
Tỷ trọng cho vay nằm ở nhóm một số nhóm như nhóm dự án cho vay xây dựng theo định nghĩa của NHNN (19%), cho vay mua nhà khoảng 16%. Tổng cộng lại khoảng 34-35%, tổng dư nợ cho vay mua nhà khoảng 90.000 tỷ đồng, năm vừa qua có sụt giảm nhẹ. Nhưng đây là vay với nhu cầu thực, không giống nhóm bất động sản cao cấp có yếu tố đầu cơ cao.
VPBank là một trong 3 ngân hàng có dư nợ cho vay mua nhà lớn nhất thị trường. Nhưng nợ cho vay bất động sản cũng là khoản nợ dễ thu hồi nhất nếu xảy ra nợ xấu.
- Tại sao tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng'?
Ông Ngô Chí Dũng: Những ngân hàng có năng lực tài chính, quản trị tốt mới được tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Dưới góc độ tài chính, ngân hàng không tha thiết tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu bởi những ngân hàng này lỗ rất lớn, vốn chủ sở hữu âm.
Tuy nhiên, tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là điều kiện cần và đủ để VPBank có thể tăng trưởng tín dung ở quy mô cao hơn so với mức trung bình ngành.
Bên cạnh đó, VPBank cũng sẽ có hội nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao hơn thay vì mức 30% như hiện tại khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng'.
SMBC đang hỗ trợ đắc lực cho VPBank
Theo CEO Nguyễn Đức Vinh, thương vụ chào bán 15% cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC đã đưa VPBank trở thành ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống (chỉ sau Vietcombank) và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Ông Vinh thừa nhận, bên cạnh những lợi ích mang lại, tăng vốn nhanh cũng đi kèm với nhiều rủi ro, hiệu quả hoạt động không đủ bù đắp. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VPBank đánh giá đây là sự đầu tư cần thiết để ngân hàng cso thể phát triển hiệu quả trong tương lai.
CEO cho biết, VPBank đang mở rộng hoạt động, không chỉ tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, mà phát triển ở tất cả các phân khúc khách hàng từ doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.
"VPBank cũng đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài, với sự hỗ trợ đắc lực của đổi tác chiến lược SMBC", ông Vinh nói.
Trình mục tiêu lãi 23.000 tỷ đồng
Theo tài liệu đại hội, ban lãnh đạo VPBank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với năm trước. Trong đó, FE Credit dự kiến lãi 1.200 tỷ đồng; VPBank Securities dự kiến lãi 1.902 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng tài sản hợp nhất đến cuối năm 2024 đạt 974.270 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt 752.104 tỷ đồng, tăng 25%; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo VPBank đề xuất phương án chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương đương 7.933,9 tỷ đồng.
Đồng thời, nhà băng này cũng có kế hoạch chào bán tối đa 30 triệu cổ phiếu ESOP với giá là 10.000 đồng/cp; phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu quốc tế bền vững (Sustainability Bond) theo hình thức phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư.
Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
Một trong những tờ trình đáng chú ý sẽ được trình AGM 2024 của VPBank là nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) là một ngân hàng thương mại.
Theo đó, tại thời điểm nhận chuyển giao, quy mô hoạt động của TCTD được chuyển giao (tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023; vốn điều lệ của TCTD này không quá 5.000 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển giao, TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.
VPBank có quyền mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với TCTD được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, với giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của VPBank được ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.
Hiện tại, có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trước VPBank, Vietcombank, MB và HDBank cũng đã có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Trong đó, Vietcombank được cho là sẽ tiếp nhận CBBank, còn MB được tin rằng sẽ tiếp nhận OceanBank./.