4 trụ cột chính trong chiến lược của Techcombank: CASA 55%, thu nhập từ phí dịch vụ chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%, vốn hoá 20 tỷ USD
Báo cáo trước ĐHĐCĐ kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024, CEO Jens Lottner cho biết, năm 2023 là năm không hề dễ dàng với Techcombank.
Đầu năm 2023, ngân hàng khởi đầu rất thách thức nhưng kết thúc năm 2023 hoạt động đã hiệu quả hơn nhiều. Lợi nhuận trước thuế đạt 22.888 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm trước nhưng vượt 4% so với kế hoạch.
Một trong những yếu tố mạnh mẽ của Techcombank là CASA, thu nhập lãi thuần, ROA, ROE duy trì ở mức lành mạnh. Nguồn thu của Techcombank tập trung nhiều hơn vào thu nhập từ phí dịch vụ. Năm 2023, số lượng khách hàng của TCB tăng lên 2,6 triệu người, thu nhập của ngân hàng cũng tăng trưởng 10% nhờ đa dạng hoá nguồn thu.
Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về cho vay bất động sản, trái phiếu, riêng có "chậm" một chút về Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) nhưng không có nhiều lo ngại. Thực tế, nửa sau năm 2023, doanh số bán bảo hiểm của Techcombank cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm.
CEO của Techcombank cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng nhà băng này cũng cao hơn nhiều so với các ngân hàng đối thủ. NIM cũng dẫn đầu toàn ngành. Chi phí vốn tăng nhẹ nhưng thấp hơn nhiều so với đa số ngân hàng Việt Nam.
Techcombank vẫn tiếp tục theo đuổi kiên định những chiến lược đã đề ra với 4 trụ cột chính là: CASA 55%, thu nhập từ phí dịch vụ chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%, vốn hoá 20 tỷ USD.
"Năm 2024, TCB đề xuất lợi nhuận trước thuế ở mức 27.100 tỷ đồng. Ban điều hành sẽ làm việc nỗ lực và hoàn toàn tự tin có thể đạt hoặc vượt con số này", CEO Techcombank nói.
Đi trước 2-3 năm về công nghệ trong ngành tài chính ngân hàng
Theo ông Jens Lottner, Techcombank đã đầu tư hơn 500 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) vào công nghệ, hoàn tất lộ trình chuyển đổi, đi trước 2-3 năm trong ngành tài chính ngân hàng về công nghệ.
Ngân hàng đã không ngừng đầu tư vào số hóa dữ liệu để đem lại những sản phẩm mới cho khách hàng. Khoảng 33% lợi nhuận của TCB đến từ các kênh số hóa và điện tử, tỷ lệ này ngang ngửa với các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ phí/thu nhập đã giảm 10-15% so với các kênh truyền thống nhờ vào việc tối ưu hóa các kênh điện tử.
Nhà băng có những khách hàng giao dịch khoảng 50 lần/tháng, mỗi một lần có những điểm chạm TCB lại học hỏi nhiều hơn với khách hàng, những hành vi tiêu dùng để phục vụ. Có thể nói rằng, 500 triệu trang hồ sơ, nếu quy đổi sang hồ sơ giấy, nhưng giao dịch trên điện tử đã giảm thiểu rất nhiều. "Khách hàng càng giao dịch nhiều trên kênh điện tử thì TCB càng hiểu khách hàng" - CEO Jens Lottner nhấn mạnh.
Đặt mục tiêu vốn hoá TCBS đạt 5 tỷ USD vào năm 2025
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) nói về mục tiêu có 5 triệu khách hàng, lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, vốn hoá 5 tỷ USD vào năm 2025. Chủ tịch TCBS cho rằng, giới siêu giàu Việt Nam sẽ có xu hướng đa dạng hoá tài sản, bên cạnh việc tích luỹ vàng, bất động sản, tiết kiệm, họ còn đầu tư mạnh mẽ cổ phiếu, trái phiếu phiếu và nhiều tài sản khác.
"Chúng tôi bắt đầu tập trung nhóm trung lưu, giàu có, chỉ đại diện 20% dân số nhưng đại diện cho 80% giàu có tại Việt Nam. Sau đó chúng tôi sẽ mở rộng ra phân khúc rộng hơn. TCBS đang sẵn sàng đón đầu cơ hội trong sự tăng trưởng của Việt Nam nhiều năm tới", ông Minh chia sẻ.
Ông Hồ Hùng Anh: Thách thức vẫn còn phía trước
Phát biểu tại AGM 2024, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, trong giai đoạn 2022-2023, TCB đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản - một trong những lĩnh vực TCB có sức mạnh đáng kể. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, Techcombank đã chứng minh được khả năng quản lý rủi ro. Trên thị trường trái phiếu, ngân hàng đã không để bất kỳ trái phiếu nào quá hạn về lãi và gốc, đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ và dữ liệu đã giúp TCB giảm chi phí vận hành, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động trong các phân khúc chưa phát triển mạnh như cho vay khách hàng SME, cho vay tín chấp, tiêu dùng.
Sự hỗ trợ từ công nghệ và dữ liệu đã cho phép TCB phát triển nhanh chóng mà vẫn duy trì được quản lý rủi ro và chi phí. Năm 2023, Techcombank đã đạt được các kế hoạch đã đặt ra. Và trong bối cảnh thị trường tiếp tục thách thức vào năm 2024, chúng tôi tiếp tục thận trọng trong việc đưa ra các kế hoạch phù hợp.
Hỏi/đáp: Techcombank có kế hoạch nhận ngân hàng yếu kém hay không?
Cổ đông: Một số ngân hàng lớn đã công bố nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém và có cơ hội tăng trưởng tín dụng cao hơn, vậy TCB có kế hoạch này hay không?
CEO Techcombank: Mỗi ngân hàng đều có những chiến lược riêng. Để nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, BLĐ cần xem xét kỹ lưỡng. Tôi không nghĩ Techcombank sẽ "tụt lại phía sau" nếu không có kế hoạch này, vì các chỉ số của TCB đang ở mức tốt so với toàn ngành ngân hàng.
Cổ đông: TCB có muốn mua lại hay thành lập công ty tài chính tiêu dùng hay không?
CEO Techcombank: Thời điểm này, TCB chưa có kế hoạch thành lập công ty riêng về cho vay tiêu dùng, cũng không cần giấy phép về công ty cho vay tiêu dùng. Đây không phải thời điểm thích hợp theo đuổi mô hình của FE Credit, Home Credite.
Cổ đông: Tốc độ tăng trưởng khách hàng của Techcombank đang chậm hơn các đối thủ, ngân hàng có giải pháp gì khắc phục vấn đề này?
CEO Techcombank: Chúng tôi không quan tâm tới số lượng khách hàng mà quan tâm tới lượng khách hàng active. Phần lớn lợi nhuận của TCB hiện nay lại đến từ một lượng ít khách hàng.
Chúng tôi quan trọng về chất lượng khách hàng thay vì số lượng khách hàng. Nhận diện thương hiệu của TCB hiện nay rất tốt dù lượng khách hàng không nhiều như các ngân hàng khác.
Ông Hồ Hùng Anh: Về phát triển khách hàng mới, Techcombank có rất nhiều đối tác trong hệ sinh thái. Nếu chúng tôi muốn mở rộng khách hàng thì không khó nhưng quan trọng là giữ chân khách hàng.
Cổ đông: Giá cổ phiếu sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu ngân hàng trả cổ tức, chia cổ phiếu thưởng một lần với tỷ lệ rất cao?
CEO Techcombank: TCB tăng vốn từ thưởng cổ phiếu không ảnh hưởng tới vốn chủ sở hữu, không ảnh hưởng tới khả năng cho vay và cơ chế quản lý rủi ro. Có thể giá cổ phiếu sẽ giảm nhẹ, nhưng đó chỉ là tác động ban đầu, nếu ngân hàng làm tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu rẻ có thể hấp dẫn nhiều nhà đầu tư hơn.
Cổ đông: Mục tiêu vốn hóa TCBS đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 có khả thi?
Ông Hồ Hùng Anh: Tôi đánh giá đây là con số thực tế, dựa trên khả năng phát triển và định giá của thị trường. Năm 2018, giá trị của Techcombank trước khi IPO chỉ có 500 triệu USD nhưng khi IPO xong lên 5 tỷ USD.
Tăng vốn điều lệ lên 70.500 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%
Trước đó, lúc 9h00, AGM 2024 của Techcombank đã được tiến hành với sự tham dự của 244 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 2,71 tỷ cổ phần, chiếm 77,01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tham dự AGM 2024 có dàn "soái" của Techcombank: Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐQT Masan và ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập Eurowindow Holding.
Họ đều là những cựu du học sinh trở về từ Đông Âu. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang là những tỉ phú USD của Việt Nam, theo Forbes. Dù không được xếp hạng, nhà sáng lập Eurowindow Holding Nguyễn Cảnh Sơn được tin rằng cũng sở hữu cơ ngơi đáng nể, có quy mô lên tới hàng tỉ USD.
Theo tài liệu đại hội, ban lãnh đạo Techcombank trình AGM 2024 phương án phát hành 3,52 tỷ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%) để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.
Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (10.567,5 tỷ đồng), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (24.181,2 tỷ đồng) và thặng dư vốn cổ phần (476,3 tỷ đồng).
Techcombank sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VPBank - ngân hàng hiện có quy mô vốn điều lệ ở mức 79.336 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Techcombank cũng đề xuất việc chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương đương 5.283 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3/2024.
Đây sẽ là đợt chia cổ tức bằng tiền đầu tiên của Techcombank sau 10 năm không chia.
Trước đó, trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi cuối tháng 1/2024, đại diện Techcombank cho biết ngân hàng sẽ thực hiện kế hoạch chia cổ tức tiền mặt hàng năm với tỷ lệ thanh toán đạt ít nhất 20%, nhưng sẽ đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu cốt lõi cấp 1 ở mức 14-15%.
"Điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của ngân hàng", lãnh đạo Techcombank nói.
Năm 2023 với nhiều thách thức nhưng Techcombank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 18.190 tỷ đồng, cao gấp đôi so với VPBank và chỉ kém khoản lãi sau thuế 21.000 tỷ đồng của MBBank trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Dựa trên kết quả đạt được trong những năm qua, ban lãnh đạo Techcombank đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng đến cuối năm dự kiến đạt 616.031 tỷ đồng, tăng 16,2%; tỷ lệ nợ nhóm 3-5 của ngân hàng mẹ dưới 1,5%.
Ngoài ra, AGM 2024 của Techcombank đã tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 với 9 thành viên, bao gồm: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Hồ Anh Ngọc, bà Nguyễn Thu Lan, ông Saurabh Narayan Agarwal, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc và ông Eugene Keith Galbrainth.
Số lượng thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029 trước mắt được bầu là 3 thành viên, bao gồm: ông Hoàng Huy Trung, bà Bùi Thị Hồng Mai và bà Đỗ Thị Hoàng Liên.
Theo báo cáo của Ban kiểm phiếu, tất cả các tờ trình, kết quả bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029 đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ trên 99%.