Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

AGM 2024 NCB: Chốt phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu, đặt mục tiêu hoàn tất tăng vốn vào quý IV/2024

07:20 13/04/2024

Nhiều năm nay, vốn điều lệ của NCB có tăng nhưng chậm, cách biệt không đáng kể so với mức quy định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

Sáng nay (13/4), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024).

Đại hội có sự tham dự của 35 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 512,2 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 91,99% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

AGM 2024 của NCB đã thông qua tất cả các tờ trình. Đáng chú ý, có tới 143,7 triệu cổ phần bỏ phiếu không có ý kiến đối với tờ trình tiếp tục triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tỷ lệ tán thành đối với tờ trình này chỉ là 71,9%, trong khi tất cả các tờ trình còn lại đều được thông qua với tỷ lệ tán thành trên 99%.

Chia sẻ tại đại hội, bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB - cho biết, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn dự kiến đến cuối quý IV/2024 mới hoàn thành.

"Hiện, NCB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn. Việc trình lại phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm hoàn thiện các thủ tục pháp lý", bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, sở dĩ NCB không phát hành cho cổ đông hiện hữu là bởi phương án này rất khắt khe và ngân hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện. Giá trị sổ sách của NCB là 9.000 đồng/cp tại thời điểm 31/12/2023, trong khi giá phát hành riêng lẻ là 10.000 đồng/cp.

>>Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB

Thời gian qua, khách hàng của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Riêng tại NCB, do những khó khăn của khách hàng giai đoạn 2019 – 2023, nhà băng này đã phải chi trả khoảng 2.000 tỷ đồng chi phí cho những khoản không sinh lời. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn đủ để ‘cover’ một phần chi phí.

Người đứng đầu ban lãnh đạo NCB cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà đầu tư đã đồng hành cùng nhà băng trong giai đoạn khó khăn. Bà Hương cho rằng, việc phát hành riêng lẻ có thể làm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu giảm xuống, song giá trị của NCB sẽ tăng lên, cao hơn nhiều so với con số hiện tại.

“NCB luôn hoạt động trên nguyên tắc khách hàng, thượng tôn pháp luật. Lần đầu tiên NCB có lãi trên cơ sở hoạt động thực chất, dừng dự thu các khoản thu có vấn đề, nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng lớn”, bà Hương nói, đồng thời cho biết cần ít nhất 3-5 năm nữa để giải quyết hết những vấn đề tồn đọng.

Chốt phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu

AGM 2024 của NCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tổng tài sản tại thời điểm cuối năm đạt 105.892 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng dự kiến đạt 64.344 tỷ đồng, huy động khách hàng đạt 86.050 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,2% và 7,5% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, ngân hàng kỳ vọng quy mô khách hàng sẽ gia tăng thêm 15%, đạt mức 1,15 triệu khách hàng. Lũy kế số lượng thẻ tín dụng đạt 31.991 chiếc, tăng 28%. Số dư CASA dự kiến đạt 6.075 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2023.

Đáng chú ý, NCB không đưa ra con số cụ thể cho chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 mà chỉ cho biết sẽ dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.

Về phương án tăng vốn điều lệ, NCB sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành 620 triệu cổ phiếu đã được AGM 2023 thông qua. NCB cho biết, hồ sơ tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, chuẩn bị trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nhiều năm nay, vốn điều lệ của NCB có tăng nhưng chậm, cách biệt không đáng kể so với mức quy định tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.601 tỷ đồng lên mức 11.801 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành sẽ được NCB sử dụng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh (5.300 tỷ đồng). Ngoài ra, NCB dự kiến dành 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất; 200 tỷ đồng xây dựng nhận diện thương hiệu; 500 tỷ đồng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số.