Sáng nay (28/3), CTCP Chứng khoán MB (Mã CK: MBS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024).
Tính đến 8h30, tổng số cổ đông tham dự đại hội đại diện cho 351,7 triệu cổ phần, chiếm 80,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Theo Điều lệ, AGM 2024 của MBS đủ điều kiện tiến hành.
Chia sẻ tại đại hội, ông Phan Phương Anh – Tổng giám đốc MBS – bày tỏ sự bất ngờ với số lượng cổ đông tham dự đại hội. "Năm ngoái, đại hội của công ty chỉ có 30 người, năm nay kín chỗ dù đã chuẩn bị phòng họp có sức chứa lên tới 100 người", ông Anh nói.
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, MBS đã chứng kiến sự gia tăng ấn tượng về số lượng cổ đông.
Cụ thể, báo cáo thường niên năm 2020 của MBS cho biết, công ty này có 1.881 cổ đông. Chưa đầy 3 tháng sau, tại ngày 15/3/2021, số lượng cổ đông của MBS đã tăng lên mức 6.097 người. Đến ngày 24/1/2022, con số này tiếp tục tăng vọt lên mức 16.050 người.
Cập nhật gần nhất tại ngày 29/12/2023, MBS có tổng cộng 17.654 cổ đông, đông gấp 20 lần sau 8 năm lên sàn chứng khoán.
"Chốt" tăng vốn lên 5.700 tỷ đồng
AGM 2024 của MBS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu năm 2024 đạt 2.786 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 36% so với thực hiện năm trước.
Đồng thời, MBS chốt phương án chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt, tương đương 525,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, AGM 2024 của MBS cũng thông qua phương án phát hành thêm 138,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.758,2 tỷ đồng.
Cụ thể, MBS dự kiến phát hành 109,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, tương ứng cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền dự kiến thu được là 1.094 tỷ đồng.
Cùng với đó, MBS muốn phát hành tối đa 28,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán là giá thỏa thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách cổ phiếu MBS theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm gần nhất (tại ngày 31/12/2023, giá trị sổ sách của cổ phiếu MBS là 11.512 đồng/cp).
Hơn 1.400 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được MBS dùng để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (50 tỷ đồng), bổ sung vốn tự doanh và bảo lãnh phát hành (450 tỷ đồng), bổ sung vốn cho vay ký quỹ (margin) và các hoạt động nghiệp vụ khác (925 tỷ đồng).
Từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2016 đến nay, MBS đã thực hiện 4 đợt tăng vốn điều lệ, lần lượt lên mức 1.643 tỷ đồng vào tháng 3/2020, 2.676 tỷ đồng vào tháng 6/2021, 3.805,9 tỷ đồng vào tháng 10/2022 và 4.376,6 tỷ đồng vào tháng 8/2023.
MBS cũng trở nên 'đại chúng' hơn. Tại ngày 29/12/2023, MBS có tổng cộng 17.654 cổ đông, đông gấp 20 lần sau 8 năm lên sàn. Tính đến cuối năm 2023, MB vẫn là cổ đông lớn nhất của MBS, chiếm chi phối với tỷ lệ sở hữu 79,73% vốn điều lệ.
Đang đàm phán với 3 đối tác chiến lược nước ngoài
Ông Phan Phương Anh thừa nhận, quy mô vốn của MBS hiện tương đối thấp. Tính đến cuối năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của công ty đạt khoảng 5.038 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 4.300 tỷ đồng, đứng thứ 13 trên thị trường.
"Đây là rào sản khiến MBS gặp khó khăn trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho khách hàng", CEO MBS nói.
Theo ông Phương Anh, hiện nay, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng gay gắt.
Công ty chứng khoán trong nước có quy mô vốn lớn, vừa hay nhỏ đều tăng vốn điều lệ. Công ty chứng khoán nước ngoài thì giảm lãi vay. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng thực hiện giảm phí giao dịch cho khách hàng.
"Đây là chính sách hỗ trợ tốt cho khách hàng, nhưng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng (NIM) của các công ty chứng khoán", ông Phương Anh nhận định.
Ông Phương Anh cho biết, MBS đang làm việc với 3 đối tác chiến lược tiềm năng. Các đối tác này vừa hỗ trợ về vốn, vừa hỗ trợ về mặt công nghệ cho MBS. Lãnh đạo MBS kỳ vọng, trong năm nay, việc đàm phán sẽ có bước tiến mớ và sẽ có báo cáo cho cổ đông./.