Cụ thể, 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung của TP gồm 5 Ban Quản lý dự án của TP là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban quản lý Đường sắt đô thị (17,1%), Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (0,5%); 4 địa phương là UBND huyện Nhà Bè (10,5%), UBND Quận 1 (11,6%), UBND Quận 10 (8,8%), UBND Quận 5 (13%).
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu thủ trưởng các đơn vị xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với sự tham gia vào cuộc của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phụ trách hoạt động đầu tư công.
Trong đó, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị khẩn trương hoàn thành đúng thời gian yêu cầu các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa xin ý kiến hướng dẫn của các sở ngành liên quan trong việc giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền hoặc đã được UBND TP phân cấp, ủy quyền thực hiện.
Hàng ngày kiểm tra tiến độ, chỉ đạo xử lý, giải quyết các nhiệm vụ, kiến nghị liên quan các dự án đầu tư công được các đơn vị cập nhật trên Hệ thống phần mềm quản lý theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị về đầu tư công do Sở Kế hoạch và Đầu tư vận hành; báo cáo, đề xuất kiến nghị tháo gỡ ngay đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Được biết, năm 2024, TP.HCM được giao vốn đầu tư hơn 79.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến đầu tháng 10 mới giải ngân đạt khoảng 20,2%./.
Nguồn tham khảo: VOV