Các quốc gia nào đã và đang hợp pháp hóa crypto?
Cryptocurrency (tiền điện tử) hiện được hợp pháp tại 119 quốc gia và 4 vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, chiếm hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu.
Trong đó, 64,7% các quốc gia đã hợp pháp hóa tiền điện tử là các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi; 20 quốc gia ( tương ứng với 16,8%) đã áp dụng lệnh cấm ngân hàng - tức là hạn chế các tổ chức tài chính tương tác với các sàn giao dịch tiền điện tử hoặc người dùng.
Châu Âu dẫn đầu về hợp pháp hóa tiền điện tử
Tại Châu Âu, có 39/41 quốc gia hợp pháp hóa tiền điện tử. Bắc Macedonia là quốc gia duy nhất cấm loại tài sản này, trong khi Moldova vẫn chưa có quy định pháp lý rõ ràng.
Châu Á xếp thứ hai với 35/45 quốc gia công nhận tiền điện tử. Theo CoinGecko, Việt Nam đang trong quá trình hợp pháp hóa crypto, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm giao dịch đối với các ngân hàng.
Châu Mỹ đứng thứ ba, với 24/31 quốc gia hợp pháp hóa tiền điện tử. Bolivia là trường hợp duy nhất coi crypto là bất hợp pháp, trong khi Guatemala, Guyana, Haiti, Nicaragua, Paraguay và Uruguay chưa đưa ra lập trường chính thức.
Cuối cùng, châu Phi chỉ có 17/44 quốc gia công nhận tiền số là hợp pháp.
Có bao nhiêu quốc gia đã ban hành luật về tiền điện tử?
Hiện nay, 62/119 quốc gia đã và đang xây dựng khung pháp lý toàn diện cho tiền điện tử, tăng 53,2% so với năm 2018 khi chỉ có 33 quốc gia có quy định rõ ràng.
Trong số này, 22 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiên phong với cách tiếp cận thống nhất, áp dụng các quy định chung về tài sản tiền điện tử. Bên cạnh đó, 36 quốc gia độc lập tự thiết lập khung pháp lý riêng, và 4 vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh cũng đưa ra các quy định cụ thể. Đặc biệt, một nửa trong số 62 quốc gia trên đều là các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, theo CoinGecko, 50% các quốc gia vẫn chưa triển khai các khung pháp lý chặt chẽ. Điều này làm dấy lên những lo ngại về việc bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử.
Thay vì xây dựng quy định hoàn toàn mới, nhiều quốc gia lựa chọn điều chỉnh các khung pháp lý hiện hành để áp dụng cho tiền điện tử. Phương án này thường kết hợp các luật thuế sẵn có cùng với các quy định về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) đối với các giao dịch và hoạt động liên quan.
Pháp, Nhật Bản và Đức đã thành công trong việc thiết lập khung pháp lý toàn diện cho tiền điện tử. Ngược lại, các nước như Ý, Mỹ, Canada và Anh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai quy định cho lĩnh vực này.
Crypto là đồng tiền pháp định ở đâu?
Chỉ có El Salvador và Cộng hòa Trung Phi (Central African Republic) công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Tuy nhiên, Cộng hòa Trung Phi đã rút lại quyết định này vào tháng 3/2023.
El Salvador là quốc gia đầu tiên ban hành Luật Bitcoin vào năm 2021, chính thức đưa đồng tiền kỹ thuật số này trở thành tiền pháp định, hoạt động song song với đồng USD. Dù vậy, tỷ lệ sở hữu tiền điện tử tại quốc gia này vẫn thấp, chỉ khoảng 1,72% dân số.
Cộng hòa Trung Phi cũng thực hiện bước đi tương tự vào năm 2022, nhưng không thành công do đối mặt với các thách thức kinh tế như tỷ lệ nghèo cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số yếu kém.
Các nước giữ lập trường trung lập với crypto
25/166 quốc gia giữ lập trường trung lập với tiền điện tử. Trong số này, 24 nước chọn cách "ngầm" cấm hoặc thể hiện sự lo ngại, áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế đáng kể việc sử dụng tiền điện tử. Chỉ duy nhất Uruguay thể hiện rõ sự thận trọng nhưng vẫn giữ tinh thần cởi mở.
Hiện có 22 quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng và giao dịch tiền điện tử, trong đó có 13 nước đến từ châu Phi, 7 quốc gia từ châu Á, Bắc Macedonia ở châu Âu và Bolivia ở châu Mỹ.
Thị trường crypto vẫn sôi động dù bị cấm
Tại Trung Quốc, dù cấm toàn diện từ năm 2017, quốc gia này vẫn có 58 triệu người sở hữu tiền điện tử, đứng thứ hai thế giới, chiếm 4,08% dân số.
Ở Ai Cập, nơi tiền điện tử bị coi là "haram" (bị cấm theo luật Hồi giáo), 2,95% dân số vẫn sở hữu loại tài sản này. Tương tự, tỷ lệ sở hữu tại Bangladesh, Bolivia và Iraq dao động từ 1,44% đến 2,43%.
Đáng chú ý, các quốc gia như Ai Cập, Nepal, Morocco và Trung Quốc, dù áp dụng lệnh cấm, vẫn xếp hạng cao trong Chỉ số Chấp nhận Tiền điện tử Toàn cầu năm 2022 của Chainalysis. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của người dân với crypto bất chấp các hạn chế./.
Nguồn tham khảo: CoinGecko