Người theo dõi

World Bank: “Kinh tế thế giới phục hồi mong manh, lạm phát dai dẳng”

Thứ Tư, 12/6/2024, 14:58 (GMT+7) 3 phút đọc
80% dân số toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với thập kỉ trước COVID-19, theo Ngân hàng Thế Giới (World Bank).

Trong báo cáo mới công bố, World Bank dự báo kinh tế toàn cầu có thể chững lại lần đầu tiên sau 3 năm, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 2,6% trong năm 2024. Trong những năm tới, đà tăng được kỳ vọng sẽ cải thiện lên mức 2,7%.

Tác động của các nền kinh tế lớn lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Nguồn: World Bank
Tác động của các nền kinh tế lớn lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Nguồn: World Bank

Mặc dù triển vọng tăng trưởng ngắn hạn được cải thiện, song mức tăng này vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3,1% trước đại dịch.

Tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ đạt mức trung bình 4% trong giai đoạn 2024-2025, chậm hơn so năm 2023. Trong khi đó, ở các nền kinh tế thu nhập thấp, mức tăng sẽ tích cực hơn, dự kiến đạt 5% vào năm 2024 so với mốc 3,8% của năm 2023.

Theo World Bank, khoảng cách về thu nhập giữa các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế lớn sẽ còn tiếp tục bị “kéo dãn”. Thu nhập bình quân đầu người ở những nền kinh tế thu nhập thấp sẽ chỉ đạt tăng trưởng 3%, thấp hơn mức trung bình trước đại dịch là 3,8%.

Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đà phát triển yếu đi phần lớn đến từ tình hình kinh tế “chững lại” tại Trung Quốc. Tăng trưởng ở Châu Âu và Á Trung, Mỹ Latin và Caribe, và Nam Á cũng được dự báo sẽ chậm lại ngay cả ở những nền kinh tế lớn nhất.

Áp lực lạm phát toàn cầu dự kiến “hạ nhiệt”, đạt trung bình 3,5% trong năm nay. Tuy vậy, mức giảm này không đạt kì vọng và lạm phát sẽ còn tiếp tục “dai dẳng”.

Chỉ số lạm phát toàn cầu - Nguồn: World Bank
Chỉ số lạm phát toàn cầu - Nguồn: World Bank

Trước lạm phát kéo dài, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ khó có thẻ nới lỏng chính sách tiền tệ. Mức lãi suất cơ sở trong vài năm tới dự kiến sẽ “neo” cao gấp đôi so với giai đoạn 2000-2019.

Ông Ayhan Kose, Phó trưởng ban Kinh tế của World Bank, cho biết: "Các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Môi trường lạm phát 'cao hơn, kéo dài hơn' đồng nghĩa rằng tình hình kinh tế toàn cầu đang khó khăn, thậm chí sẽ ảnh hưởng lớn hơn tới các nền kinh tế đang phát triển."

Ông Ayhan Kose - Phó trưởng ban Kinh tế của World Bank
Ông Ayhan Kose - Phó trưởng ban Kinh tế của World Bank

"Bốn năm sau đại dịch, xung đột, lạm phát và thắt chặt chinh sách tiền tệ,  tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định. Tuy nhiên, triển vọng của các nền kinh tế thu nhập thấp đang rất đáng lo ngại. Họ đối mặt với khoản nợ lớn, không được tiếp xúc với cơ hội thương mại và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần tìm cách khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm nợ công và cải thiện giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng cơ bản”, ông Indermit Gill, Trưởng Ban Kinh tế của World Bank nhận định./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên