Người theo dõi

Vietcap thắng lớn mảng tự doanh: PNJ, FPT và MBB đua nhau vượt đỉnh lịch sử giúp ‘của để dành’ vượt 2.000 tỷ đồng

Thứ Bảy, 4/5/2024, 4:05 (GMT+7) 3 phút đọc
Báo cáo tài chính quý I/2024 của CTCP Chứng khoán Vietcap (Mã CK: VCI) đã thể hiện sự hiệu quả trong hoạt động tự doanh tại công ty chứng khoán này.

Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của Vietcap (Mã CK: VCI) đạt mức 806,3 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nguồn thu từ hoạt động tự doanh vẫn là chủ lực, gồm: lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) – đạt 352,3 tỷ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ); lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) – đạt 79,4 tỷ đồng (tăng 85,5%); lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) – đạt 5,9 tỷ đồng (giảm 82,3%).

Thay vì bút toán phần lớn các khoản đầu tư tự doanh vào FVTPL như nhiều công ty chứng khoán khác, Vietcap chủ yếu ghi nhận vào khoản mục AFS, với giá trị hợp lý tại ngày 31/3/2024 ở mức 7.687,4 tỷ đồng, cao hơn 2.594 tỷ đồng so với giá trị sổ sách.

Các khoản đầu tư tự doanh được hạch toán trong AFS của Vietcap tại ngày 31/3/2024 (Nguồn: BCTC Vietcap)
Các khoản đầu tư tự doanh được hạch toán trong AFS của Vietcap tại ngày 31/3/2024 (Nguồn: BCTC Vietcap)

Trong đó, IDP của CTCP Sữa Quốc tế vẫn là khoản đầu tư có hiệu suất sinh lời tốt nhất của Vietcap, với giá trị hợp lý ở mức 2.236,9 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ 440,9 tỷ đồng. Tương tự, khoản đầu tư vào cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng tạm đem về khoản lãi 259,9 tỷ đồng, với giá vốn đầu tư ở mức 868,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietcap cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu PNJ, MBB và FPT, với tổng giá trị sổ sách lên tới cả trăm tỷ đồng. Đây đều là các cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử trong tháng 3.

So với đầu năm, Vietcap có thể đã chốt lời bớt lượng lớn cổ phiếu PNJ, KDH và MBB. Ở hướng ngược lại, công ty chứng khoán này gom mạnh FPT và TDM.

Bên cạnh đó, Vietcap cũng dành nhiều nguồn lực cho chứng khoán AFS chưa niêm yết, nổi bật là các khoản đầu tư vào NAP01 (408,24 tỷ đồng), VPB02 (161,2 tỷ đồng) và LTH01 (74,79 tỷ đồng).

VCI2.png

Khác với FVTPL, lãi/lỗ chưa thực hiện (unrealised gains and losses) của AFS sẽ không được hạch toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh (P&L) mà được ghi nhận tại bảng “báo cáo thu nhập toàn diện khác” (OCI) cho đến khi thực sự tất toán khoản đầu tư.

Riêng trong quý I/2024, khoản lãi từ đánh giá lại AFS được Vietcap ghi nhận đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 608,3 tỷ đồng. Ở trên bảng cân đối, số dư “chênh lệch đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý” trong cơ cấu nguồn vốn của Vietcap cũng tăng mức tương tự, lên 2.216 tỷ đồng, từ mức 1.607,7 tỷ đồng hồi đầu năm.

Khảo sát của người viết tại một số công ty chứng khoán, kể cả những tên tuổi tốp đầu thị trường - chẳng hạn như: VPS, SSI hay VNDirect – cũng không thấy có cái tên nào ghi nhận số dư chênh lệch đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý lớn như Vietcap. Thậm chí, VNDirect còn không ghi nhận tài sản tài chính AFS nào tại thời điểm cuối quý I/2024./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên