Người theo dõi

MSC: Chân dung hãng vận tải biển lớn nhất thế giới muốn làm "siêu cảng" Cần Giờ

Thứ Ba, 28/5/2024, 16:43 (GMT+7) 3 phút đọc
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu thuận, sẽ trở thành “bến đỗ” mới cho đội tàu ngày càng lớn mạnh của MSC. Xa hơn là cuộc đua “song mã” của hai hãng tàu container lớn nhất thế giới: MSC - Maersk.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM), cùng với Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), là khu bến cảng cửa ngõ quốc tế được ưu tiên phát triển theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 113.000 tỷ đồng, với quy mô 571 ha, gồm: 7,2km cầu cảng, 2km bến sà lan có khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs; bến sà lan dài 1,9 km có thể tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs.

cang-can-gio-4-01-1.jpg
Phối cảnh "siêu" cảng quốc tế Cần Giờ

Thuộc diện ưu tiên, nên không lạ, nếu tới đây, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ sớm được triển khai.

Đó hẳn sẽ là tin vui dành cho Mediterranean Shipping Company (MSC), cùng các đối tác chiến lược tại Việt Nam của họ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và CTCP Cảng Sài Gòn (Mã CK: SGP).

Nhóm nhà đầu tư này đã đánh tiếng đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ năm 2021 và có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tp. HCM cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét được triển khai dự án.

MSC lớn cỡ nào?

MSC có trụ sở tại Thụy Sĩ, được sáng lập bởi Gianluigi Aponte – một cựu thuyền trưởng người Ý – vào năm 1970.

Theo dữ liệu của Forbes cập nhật tới ngày 27/5/2024, ông Gianluigi Aponte sở hữu khối tài sản ròng 35,5 tỷ USD – giàu thứ 45 thế giới. Tài sản của vị tỷ phú này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2022, nhờ sự phát triển vượt bậc của MSC.

photo1650358421947-16503584220461797257866.webp
Tỷ phú Gianluigi Aponte - nhà sáng lập MSC

MSC soán ngôi hãng vận tải biển lớn nhất thế giới của Maersk vào năm 2022 khi sở hữu đội tàu có khả năng chuyên chở được 4.284.728 container – trong khi đội tàu của Maersk chỉ chuyên chở được 4.282.840 container.

Năm ngoái, MSC có thêm hơn 1 triệu TEU sức tải nhờ bổ sung 14 tàu “megamax” - có sức tải 24.000 TEU, cũng như 26 tàu neo-panamax (tàu chở hàng có thể đi qua kênh đào Panama) – có sức tải từ 15.250 đến 16.550 TEU, và mua lại một số tàu cũ.

MSC cũng duy trì sự hiện diện của mình tại nhiều nước trên thế giới với 675 văn phòng tại 155 quốc gia.

Khá thú vị nếu biết rằng, MSC đang “chia sẻ” cảng trung chuyển Tanjung Pelepas (Malaysia) với chính Maersk và mối hợp tác này có thể kết thúc từ đầu năm 2025. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu thuận, sẽ trở thành “bến đỗ” mới cho đội tàu ngày càng lớn mạnh của MSC, trước hết là ở khu vực Châu Á.

Được biết, các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines đang chiếm 60% lượng container toàn cầu và chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia.

Nếu trung chuyển qua cảng quốc tế Cần Giờ, cự ly vận chuyển sẽ được rút ngắn 30 - 70% so với khi chuyển qua Singapore. Bên cạnh đó, chi phí bốc xếp hàng container tại khu vực Cái Mép - Cần Giờ cũng rất cạnh tranh, hiện đang thấp hơn 54% đối với container xuất nhập khẩu và thấp hơn 40% đối với container trung chuyển quốc tế tại Singapore.

Tham vọng của MSC tại Việt Nam có lẽ không dừng lại ở đó. Ngoài SGP hay VIMC, họ cũng đồng hành với một số đối tác địa phương khác để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đầu năm 2024, đại diện MSC và CTCP Thanh Bình Phú Mỹ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ về việc đầu tư cảng vụ và dịch vụ logistic tại Tp. Cần Thơ.

Theo đó, với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, việc TP. Cần Thơ xây dựng một cảng trung chuyển quy mô lớn tại khu vực quận Thốt Nốt được xem là chiến lược phù hợp với sự phát triển của tỉnh. Dự án này có quy mô 155 ha và bao gồm bến cảng, trung tâm logistics và kho bãi, giúp nhà đầu tư thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng dự án.

Ở thời điểm đó, CTCP Thanh Bình Phú Mỹ đang đề xuất Tp. Cần Thơ chấp thuận nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 - 800 ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Doanh nghiệp này cũng là nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên