Người theo dõi

Hệ sinh thái đáng nể của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn

Thứ Tư, 15/5/2024, 7:10 (GMT+7) 3 phút đọc
Ngoài kinh doanh hàng hiệu, IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng hàng không. Thậm chí, vị doanh nhân sinh năm 1951 từng có tham vọng lập hãng bay chở hàng lớn nhất Đông Nam Á.
photo-2-16785443914521059346263.webp
'Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của vị doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn từ lâu đã được biết tới là 'vua hàng hiệu' ở Việt Nam.

Theo giới thiệu, tập đoàn này đã phát triển hệ sinh thái lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đáng chú ý, IPPG cho biết hiện chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.

Lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, thời trang được IPPG thực hiện qua các công ty là DAFC, ACFC và CMFC. Trong đó, DAFC phân phối loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Rolex, Bvlagri, Burberry,… Còn ACFC và CMFC phân phối sản phẩm của các thương hiệu Levi’s, Nike, Mango.

Ngoài hàng hiệu, tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có những thương vụ đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng hàng không, điển hình là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã CK: SAS) - nhà cung cấp dịch vụ phi hàng không dẫn đầu tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tính đến cuối năm 2023, nhóm cổ đông liên quan tới ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang nắm giữ hơn 45% cổ phần Sasco. Vị doanh nhân này cũng đã có hơn 7 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sasco, từ tháng 4/2017 đến nay.

Bên cạnh thương vụ đầu tư vào Sasco, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) – pháp nhân lõi trong "hệ sinh thái" IPPG – cũng góp tới 55% vốn tại CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) - đơn vị đầu tư và vận hành nhà ga quốc tế Cam Ranh.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng có tham vọng lập hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa IPP Air Cargo với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD). Tuy nhiên, hồi tháng 10/2022, 'ông chủ' IPPG bất ngờ xin thôi lập hãng bay này với lý do tình hình kinh tế thế giới diễn biến xấu, đồng thời cho biết sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp.

Trước đó, IPP Air Cargo đã có kế hoạch ký bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter - dòng máy bay chuyên chở hàng với Boeing, trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Nếu thương vụ thành công, IPP Air Cargo sẽ trở thành hãng vận tải hàng không lớn nhất Đông Nam Á.

Ngoài các lĩnh vực nêu trên, IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn nhận nhượng quyền một số thương hiệu đồ ăn nhanh như Domino’s Pizza, Burger King, gà rán Popeyes cùng một số thương hiệu nhà hàng kinh doanh tại sân bay.

IPPG cũng đang khai thác thương mại Tràng Tiền Plaza (rộng 18.000m2) tại Hà Nội và đầu tư 4 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại tầng trệt khách sạn Rex (Tp. HCM).

Tính đến tháng 11/2023, IPP có vốn điều lệ 3.468 tỷ đồng, Trong đó, vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn – bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 60% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được đứng tên bởi 2 người con trai là ông Nguyễn Phi Long (Philip Nguyễn) và ông Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn), mỗi người nắm giữ 20% vốn.

Năm ngoái, IPP báo lãi sau thuế 142,9 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn 2016-2019, công ty này cũng liên tục báo lãi, với lợi nhuận lũy kế 4 năm đạt 565 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của IPP đạt 4.664 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 3.952,6 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Nợ phải trả là 711,4 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty này không còn nợ trái phiếu./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên