Người theo dõi

Hai cách xử lý tại 2 công trình vi phạm xây dựng ở Lâm Đồng

Thứ Tư, 5/6/2024, 19:46 (GMT+7) 3 phút đọc
Cụ thể là ở công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù và công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel…
Khách sạn Merperle Dalat Hotel (trái) và tòa nhà sân golf Đồi Cù
Khách sạn Merperle Dalat Hotel (trái) và tòa nhà sân golf Đồi Cù

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp vừa ký văn bản số 4185/UBND-QH thu hồi Văn bản số 1341/UBND-QH ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc bổ sung diện tích tầng ngầm (tầng hầm) của công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf (tòa nhà sân golf Đồi Cù - Đà Lạt).

Lý do thu hồi, theo văn bàn này, là bởi: “Một phần phạm vi công trình được thỏa thuận thuộc đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (diện tích 5.639 m2) nên chưa đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ”.

Văn bản đề gửi tới các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, thể thao và Du lịch; UBND thành phố Đà Lạt và Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL – chủ đầu tư.

Hơn một năm trước, ngày 24/02/2023 trong văn bản (vừa bị thu hồi) cũng được gửi tới các nơi trên, UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến: Thống nhất điều chỉnh diện tích tầng hầm công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf (diện tích: 2.726 m2) như đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 252/SXD-QHKT ngày 15/02/2023 để tiếp tục triển khai thực hiện dự án với yêu cầu sau: (i) không bộ phận nào của tầng hầm được phép nổi trên mặt đất tự nhiên; (ii) có giải pháp xử lý đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan chung, như: tổ chức trồng cây xanh, thảm cỏ có quy cách đủ lớn để che chắn, tạo cảnh quan; (iii) công năng sử dụng đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 2, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 (Công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân gôn là công trình, hạng mục công trình phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh sân gôn và cơ sở lưu trú, dịch vụ cho người chơi gôn).

“Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL có trách nhiệm đăng ký bổ sung hạng mục công trình vào nội dung đăng ký đầu tư (nếu có); tổ chức triển khai lập phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc theo chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc đã được UBND tỉnh thống nhất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt” - văn bản viết.

Không rõ có phải do xem nội dung chỉ đạo trên như ý kiến “mở đường”, cộng với sự sốt sắng bắt nhịp trở lại sau biến cố Covid-19 hay không, Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL đã dồn tổng lực để đầu tư vào công trình mang tính điểm nhấn cho dự án mà họ đã thâu tóm về từ nhà đầu tư Thái Lan.

Nhưng Hoàng Gia ĐL hẳn sẽ phải trả giá đắt cho sự nóng vội của mình. Cơ hội sửa sai cho chủ đầu tư này có lẽ đã đóng lại sau động thái thu hồi Văn bản số 1341/UBND-QH của Lâm Đồng. Thiệt hại sẽ là rất nặng nề, đổi lại những tâm huyết và tài lực đã bỏ ra.

Về phía chính quyền, khó có thể bỏ qua trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan. Trước mắt, qua báo chí, đã thấy Sở TN&MT Lâm Đồng “thừa nhận có sơ suất” khi trước đây đã đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 5.600 m2 đất rừng phòng hộ mà chưa rà soát đến quy định tại Nghị định số 52/2020-NĐ-CP. Thiệt hại từ sơ suất ấy, một phần có thể đong đếm bằng thiệt hại tài chính mà Hoàng Gia ĐL sẽ phải chịu, mà suy cho cùng, cũng là nguồn lực xã hội.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (Nguồn: Internet)
Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (Nguồn: Internet)

Có một điểm cần lưu ý ở đây, người ký Văn bản số 4185/UBND-QH là ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Hiệp ký văn bản thu hồi chính văn bản mà ông Hiệp - cùng trên vai Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã ký hơn một năm trước (Văn bản số 1341/UBND-QH). Một động thái “sửa sai”, có thể vậy (?!).

Có chăng ở thời điểm hiện tại, ông Hiệp đã sắm thêm trọng trách tạm thời phụ trách, điều hành toàn bộ hoạt động của UBND tỉnh. Còn Lâm Đồng cũng đang là “điểm nóng”, sau biến cố khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp vào đầu năm 2024.

Khách sạn Merperle Dalat Hotel (Nguồn: Internet)
Khách sạn Merperle Dalat Hotel (Nguồn: Internet)

Trường hợp Merperle Dalat Hotel

Liên quan đến tình hình trật tự xây dựng tại Đà Lạt, bên cạnh công trình ở Đồi Cù, còn một công trình vi phạm khác, cũng làm dậy sóng truyền thông cùng kỳ, là tòa nhà khách sạn MerPerle Đà Lạt của chủ đầu tư Công ty CP Khải Vy.

Vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel được báo chí miêu tả là “cực kỳ lớn, diện tích sai phạm lên tới hàng ngàn mét vuông”.

Trên thẩm quyền phụ trách, tháng 6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp là người đã ký văn bản giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat; đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Khải Vy triển khai thi công xây dựng công trình khách sạn Merperle Dalat theo đúng Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Hai văn bản cách nhau hơn 4 tháng mà ông Võ Ngọc Hiệp ký
Hai văn bản cách nhau hơn 4 tháng mà ông Võ Ngọc Hiệp ký

Hơn 4 tháng sau, chính ông Hiệp lại ký một văn bản khác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật. Động thái được nhiều cơ quan báo chí chính thống đề cập như một biện pháp “hợp thức hóa” cho vi phạm tại dự án khách sạn Merperle Dalat.

Cách thức xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 2 dự án tòa nhà sân golf Đồi Cù và tòa nhà khách sạn Merperle Dalat Hotel, theo đó, đang được nhiều người đem ra đối chiếu, so sánh và phân tích. Nhất là khi người ký các văn bản xử lý đó cùng là một: ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Vi phạm tại Merperle Dalat Hotel

Tháng 10/2023, UBND TP. Đà Lạt đã quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Khải Vy số tiền 110 triệu đồng do xây dựng sai phép, không phép tại dự án Merperle Dalat Hotel.

UBND TP. Đà Lạt xác định, theo giấy phép xây dựng được cấp, tầng hầm 2 diện tích sàn 5.806 m2, thực tế thi công đến 7.092 m2, vượt phép 1.286m2.

Tại tầng hầm 1 được cấp phép diện tích sàn 5.777 m2 nhưng xây dựng thực tế 7.092 m2, vượt phép 1.315m2.

Tại tầng 1 được cấp phép diện tích sản 3.612 m2 (kể cả sân vườn), thực tế xây dựng 4.567 m2, vượt phép 955m2.

Ngoài ra, đang thi công sàn mái diện tích 900 m2 nhưng không có trong nội dung giấy phép xây dựng./.


Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn

Chia sẻ
Báo cáo
D
Phạm Văn Duy Người dùng
Crypto Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên