Chủ nhật, 29/01/2023, 19:18

Chuyện nữ giám đốc truyền thống “rẽ lối” làm môi giới bất động sản

Khoảng 2 giờ chiều một ngày cuối năm, tôi hẹn gặp Trang ở một quán cafe nằm trong khu đô thị mới ven thành phố. Những cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên tràn về, lạnh tê tái như thị trường Bất động sản những tháng vừa qua.

Vừa kéo lại chiếc áo choàng cho đỡ lạnh, tôi thấy Trang từ xa đi tới trong dáng vẻ khoẻ khoắn với giày thể thao, quần jean và chiếc áo phap tối màu, nét mặt tràn đầy năng lượng. Không ai nghĩ cô gái đó đã từng là một nữ giám đốc truyền thông quyền lực. Và trong phút chốc, tôi cũng bị vẻ rạng rỡ, đầy sức sống của Trang làm quên luôn những lời ca thán của nhiều môi giới bất động sản mà tôi quen về một cái Tết buồn, trắng thanh khoản.

Cuộc trò chuyện với Trang có lẽ là đốm sáng hiếm hoi sau rất nhiều ngày tháng cả thị trường bất động sản ngụp lặn giữa những thông tin và diễn biến không mấy tích cực của giai đoạn tiền khủng hoảng.

Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ

Sau khi lấy bằng cử nhân tại một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, Trang học lên cao học chuyên ngành Luật thương mại quốc tế. Sáu năm làm ở phòng quảng cáo của một tờ báo có tiếng tại Thủ đô, 5 năm ra mở công ty truyền thông. Cả một quãng thanh xuân sôi nổi, nhiệt huyết ấy, cuối cùng Trang gác lại, rồi đầu quân cho một sàn giao dịch bất động sản khá lớn từ tháng 1.2022.

Lý giải cho công cuộc chuyển hướng lần này, Trang kể, sau hai năm đại dịch, công ty truyền thông của cô gặp khó khăn. Khách hàng của công ty bị phá sản, nên “bùng” luôn những hợp đồng đã ký trước đó. Hợp đồng mới không có nhưng vẫn phải dùng tiền công ty chi trả mọi chi phí quảng cáo đã thực hiện với các bên. Trang phải đi trả nợ gần một tỉ đồng cho khách hàng.

“Không chỉ là bí dòng tiền, mà tôi cảm thấy mình bị mất uy tín với các đơn vị quảng cáo vì đến hạn mà không trả. Lúc này, tôi cũng nhận thấy lĩnh vực đang làm khó có thể phát triển được hơn bởi xu thế truyền thông giờ đã khác. Trước đó, tôi cũng đã có một thời gian dài thấy bế tắc, vì ngay cả những lúc kiếm được tiền, tôi vẫn cảm thấy công việc của mình lặp đi lặp lại, nhàm chán và thiếu đam mê. Niềm vui chỉ là những khi nghe thấy tiếng ting ting vào tài khoản, nhưng chỉ trong chốc lát và đổi lại phải làm việc từ sáng đến đêm. Tôi muốn một công việc mới, không chỉ giúp tôi có thu nhập tốt hơn mà còn phải là công việc mang lại cho tôi niềm vui và hứng thú”, Trang chia sẻ.

Ban đầu, Trang làm việc cho một chi nhánh nhỏ của công ty, nhưng vì cảm thấy đội nhóm không “Ok” môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, và phải làm online do dịch bệnh bùng phát trở lại, nên cô nghỉ.

“Tôi dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các khóa học bất động sản. Dù trước đó cũng đã có nhiều năm tìm hiểu về lĩnh vực này, nhưng chỉ đọc để biết thêm kiến thức, chưa nghĩ đến sẽ dùng những kiến thức đó để tư vấn hay làm nghề”, Trang nói.

Tình cờ sau một buổi đào tạo của công ty, Trang xin ứng tuyển để đi làm, còn không kịp hỏi lương cứng. Chỉ biết rằng, vì là một tờ giấy trắng nên sẽ phải cố gắng nhiều hơn.

“Khi chuyển hướng sang bất động sản, tôi định hướng trở thành chuyên viên tư vấn bất động sản, kiêm tư vấn tài sản cá nhân, nên khi khách mua nhà, tôi cũng tư vấn cho họ một bài toán rất rõ về dòng tiền”, Trang kể.

“Tôi đã chọn đúng nghề”

“Quyết định thì nhanh, nhưng đi đến quyết định đó, hẳn là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài”, tôi tiếp lời.

Trang cho biết cô tìm hiểu về bất động sản từ năm 2017 thông qua các app về phân tích tài chính, dòng tiền để theo dõi, nghiên cứu rồi ghi vào một cuốn sổ tay. Thói quen ghi chép đó đến nay vẫn còn. Sau này khi quyết định chuyển hẳn sang nghề môi giới, Trang đi thực tế nhiều hơn và tham gia các khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng cũng như hiểu hơn về thị hiếu khách hàng.

Nhấp vội ly cafe, Trang đưa tôi xem cuốn sổ tay mang bên người. Nửa đầu cuốn sổ là những kế hoạch công việc hàng ngày được Trang ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ. Nửa cuốn còn lại là những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và quan điểm công việc mà Trang tự nhắc nhở bản thân phải thực hiện. Dù là một cuộc nói chuyện với khách cũng được cô phác thảo nội dung rõ ràng.

Tôi hỏi Trang “thế những khó khăn người khác vạch ra, có giống với những gì đã trải qua?”, Trang bảo: Tất cả những điều đó đã nằm trong tầm kiểm soát. Thậm chí cô còn lường trước nhiều vấn đề khó khăn hơn và đã vượt qua.

Lúc bắt đầu làm sale bất động sản, Trang đặt ra cho mình một lịch hẹn sau 6 tháng để biết nên tiếp tục hay dừng lại và nếu tiếp tục thì sẽ phải thay đổi hoặc phát triển như thế nào.

Tổng kết 6 tháng đầu tiên “rẽ lối”, Trang bán được 9 căn, cả căn hộ và thấp tầng, thu nhập gần 800 triệu đồng. Riêng với biệt thự, Trang xác định chỉ tư vấn cho những khách mua ở thực. Khách này giới thiệu khách kia, tệp khách hàng cứ lớn dần.

“Nghề nào, công việc gì cũng cần phải đầu tư, từ thời gian, công sức và tiền bạc. Bỏ ra 55 triệu để có một mức thu nhập gần 800 triệu trong 6 tháng đầu, tôi cho đó là khoản đầu tư xứng đáng và quá lời. Tiền thu được, tôi lại tiếp tục phân bổ để đầu tư, chạy quảng cáo, marketing. Đặc biệt, phải chịu khó chăm sóc khách hàng thì mới có cơ hội để chốt giao dịch.

Giá trị lớn hơn mà tôi nhận được sau 6 tháng chuyển hướng, là phát hiện ra mình chọn đúng đường. Tôi thấy vui mỗi khi đi làm, cảm thấy trẻ trung và nhiều năng lượng hơn. Tôi có thêm những mối quan hệ, biết thêm nhiều kỹ năng, kiến thức về các ngành nghề liên quan mà trước đó tôi chưa có cơ hội tìm sâu đào kỹ”, Trang nói.

Thực tế là hiện nay, không phải môi giới bất động sản nào cũng đưa ra được định hướng và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Những môi giới là sinh viên mới ra trường, hoặc tay ngang rẽ lối như Trang không hiếm. Song rất nhiều trong số đó phải bỏ cuộc sau nhiều tháng không có giao dịch, không có lương cứng để trang trải chi phí sinh hoạt, tiếp khách.

Cũng có những môi giới rủng rỉnh tiền bạc sau một vài năm làm nghề, nhưng khi thị trường lao dốc vẫn lao đao. Bởi tiền kiếm được trước đó quá dễ dàng, họ chưa kịp hoặc không có kế hoạch sử dụng hiệu quả, phục vụ công việc lâu dài mà chỉ xem đó là khoản tiền may mắn có được. Cũng có những môi giới dành hết tiền hoa hồng để đầu tư bất động sản, chứng khoán, khi thị trường biến động bị chôn vốn hoặc thua lỗ, không có tiền tái đầu tư. Những môi giới ấy, người ta hay gọi là “té nước theo mưa”, tranh thủ lúc thị trường sôi động để làm ăn, khi thị trường đứng thì quay về nghề cũ.

Phải đầu tư cho nghề

Trang nói với tôi, khi làm nghề này, phải có tiền để đầu tư, cũng như dự phòng các khoản cho cuộc sống. Những bạn mới ra trường muốn theo nghề phải chịu khó rất nhiều.

“Đa số các công ty đều có hỗ trợ người mới 5-6 triệu/tháng trong vài tháng đầu, lúc đó nên trích một nửa để chạy quảng cáo, kiếm khách. Có công ty còn hỗ trợ chi phí tiếp khách mỗi tuần. Hoàn cảnh càng khắc nghiệt thì càng phải chịu khó, phải va vấp mới có được kinh nghiệm, nếu bán được thì sẽ có lương cứng lũy tiến. Khi có rồi thì phải biết phân bổ hợp lý. Thị trường mới chỉ chững lại mấy tháng nay, còn quý 4 năm ngoái và đầu năm nay bán rất tốt. Vậy những khoản tiền kiếm được ở đâu?”, Trang hỏi ngược lại.

Đúng là như thế! Thị trường sẽ không tăng mãi và cũng không xuống mãi. Thanh khoản bất động sản chỉ mới chững lại từ tháng 9 đến nay, còn thời gian sôi động trước đó, đã có những tít báo “môi giới phải nhập viện vì quá sức”. Có chăng, chúng ta nên học cách “có chơi có chịu”. Thay vì than vãn khi thị trường lao dốc, trước đó nên có sự chuẩn bị và tích luỹ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Như cách Trang nói: “Kiếm được lúc thị trường sôi động thì dễ. Sống được với nghề lúc thị trường đi xuống mới thực sự là người môi giới chuyên nghiệp”.

Đó là lý do mà giữa bao lời than thở của những môi giới tôi quen, Trang vẫn bình thản và bận rộn với danh sách công việc mỗi ngày. Không hẳn cứ phải là chốt căn, chốt cọc. Từ việc xác định là một chuyên viên tư vấn, đầu tư quảng cáo, Trang cũng bắt đầu “trực” dự án để hỗ trợ các bạn không có chi phí.

Trước khi gặp Trang, tôi nghĩ rằng một nữ giám đốc chân ướt chân ráo bước vào nghề môi giới, lại gặp trúng thời kỳ tiền khủng hoảng, ắt sẽ rất chật vật. “Không biết Trang có từng nản lòng, mệt mỏi và chán chường hay không?”, tôi dạm hỏi.

“Tôi thấy rất bình thường, từ đầu 2022, tôi cũng phần nào hình dung trong đầu về bối cảnh thị trường thời điểm đó và xu hướng ngắn hạn trong một năm tới. Thị trường lúc đó đã tăng quá nóng. Đó là lý do vì sao tôi xác định chỉ tư vấn và bán cho người có nhu cầu thực thời điểm này. Việc thị trường chứng khoán, bất động sản tăng nóng suốt một thời gian đã khiến cho tâm lý nhiều người chỉ muốn giàu nhanh, muốn nhân 2, nhân 3 tài sản. Nên trong mọi hoàn cảnh, tôi tự dặn lòng phải kiểm soát được lòng tham của bản thân, nâng cao kỹ năng để dù trong khó khăn, vẫn có thể kiếm tiền bằng những giá trị học được.

Bấy giờ hay có câu: “hãy biết tham lam khi người khác sợ hãi”, nhưng với tôi, tham lam hay sợ hãi đều phải dựa trên nền tảng kiến thức”, Trang nói.

Tôi lại thắc mắc về những lời ca cẩm của nhiều môi giới, rằng năm nay họ không có Tết, rằng thị trường đang rất xấu khi nhiều tháng nay, họ không bán được một bất động sản nào.

Môi giới bất động sản tư vấn cho khách.

Trang chỉ nói: “Tôi không biết ngoài kia thế nào, nhưng có những đồng nghiệp của tôi, sáng dật dờ đến văn phòng, chưa ấm chỗ thì lê la trà đá. Thoáng chốc đến giờ ăn trưa, rồi lại dật dờ cho đến hết ngày. Cách làm việc như thế, ngay cả khi thị trường sôi động còn khó bán, đừng nói đến lúc khó khăn bủa vây tứ bề như hiện tại”.

Thực tế cũng có phần đúng như Trang nói. Nhiều người tìm đến nghề môi giới, do không còn lựa chọn nào khác, không biết làm gì khác chứ không phải vì yêu thích hay đam mê. Gặp may thì bán được, không may thì lay lắt làm, lay lắt sống.

Những lời than vãn, kêu ca, dường như là đang mong cầu một sự giải cứu. Điều này lại khiến tôi nhớ đến câu nói của một lãnh đạo doanh nghiệp mà tôi quen: “Tại sao phải giải cứu khi chính họ tạo nên tình thế hiện nay?”. Câu nói này không đúng hoàn toàn, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại, không hẳn sai. Môi giới cũng là một trong những thành tố của thị trường bất động sản. Những lệch lạc trong cách hành nghề, tư vấn, giao dịch, đôi khi đến từ chính suy nghĩ của người trong cuộc.

“Thời điểm quyết định rẽ lối, nhiều người hỏi tôi chắc chưa, có đi được nhiều như thế không, có chấp nhận 6 tháng không có thu nhập không, có buồn vì những đồn thổi dị nghị không? Còn bố mẹ tôi thì cho rằng, tôi có ăn học, có bằng cấp, sao lại chọn theo con đường đó. Tôi chỉ nói rằng, vì tôi có ăn học, có bằng cấp nên sẽ làm nghề một cách chuyên nghiệp. nghề nào cũng có người này người kia, cao quý hay không lại ở bản thân mình”.

 

Bài học

Trang nói với tôi như vậy. Bởi theo cô, những nhà đầu tư theo dõi và am hiểu thị trường, chắc hẳn sẽ đoán biết được thời khắc này sẽ xảy ra. Có người rút kịp, thu hồi được vốn, có người lỡ nhịp. Nhưng có lẽ ai cũng cảm nhận được thị trường thời gian vừa qua đang không ổn.

“Tôi mong nó xảy ra, bởi đây sẽ là giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ. Thanh lọc những nhà đầu tư yếu kém và có năng lực, thanh lọc cả những người làm nghề môi giới chuyên nghiệp và không chuyên để thị trường lành mạnh hơn. Tôi không mong sớm lên làm quản lý dù hiện tại đã có đề xuất. Vì từ lúc bắt đầu, tôi xác định cho mình hai năm để trải nghiệm thực tế và những khó khăn của từng giai đoạn. Với tôi, hai năm đầu là thử thách, cũng là cơ hội cho bản thân. Trong giai đoạn khó khăn này, nếu một môi giới vẫn tạo được niềm tin với khách hàng để họ yên tâm xuống tiền, thì đó phải là những người có kiến thức, có chuyên môn”, Trang nói.

“Tức là mọi cái với chị đều suôn sẻ?”, tôi hỏi. Lúc này, Trang thừa nhận, không có con đường nào suôn sẻ 100%. Có những giao dịch phải mất 3 tháng giải quyết sự cố dòng tiền cho khách, đến giây phút tưởng như xong xuôi thì ngân hàng thông báo không được giải ngân. Giải quyết được phía ngân hàng thì quỹ căn không còn. Những lúc như thế, tôi chỉ sợ khách bỏ cuộc. Đổi lại, sau mỗi lần giải quyết được một vấn đề cho khách, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và hiểu điều mình lựa chọn không vô nghĩa.

Cũng có những giai đoạn, rất nhiều trường hợp khách hàng tưởng chừng chốt đến nơi, song tất cả lại đồng loạt quay xe vào phút cuối. “Tôi buồn chứ. Đó là cả một quá trình kết nối, tư vấn và miệt mài chăm sóc. Tôi đã giải quyết hết các vấn đề cho họ. Nhưng họ không chọn tôi. Cũng có lúc tôi nản và chỉ biết khóc, khóc chán chê rồi buồn cả mấy ngày liền, nhưng tôi cũng hiểu bán hàng nhiều khi còn là duyên. Sếp tôi từng nói, bán hàng nào phải chuyện “ngon” ăn (cười). Tôi đối diện với nỗi buồn ấy bằng cách tìm gặp lại những vị khách cũ đã từng giao dịch thành công. Tôi nói chuyện với họ để tìm lại cảm giác đã chinh phục họ như thế nào.

Với nghề này, hay bất cứ nghề nào khác, tôi quan niệm rằng, đã chọn là phải yêu, đã yêu thì phải tìm cách dỗ dành, vỗ về nó những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” chứ không phải bỏ mặc. Thế nên, những cảm xúc buồn bã, chán nản với tôi cũng qua rất nhanh”, Trang kể.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 300.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới. Trong đó có 35.000 người (tương đương với 12%) có chứng chỉ hành nghề, còn lại là môi giới tự do. Tỷ lệ theo đuổi nghề môi giới bất động sản đã chiếm 15% trong thị trường lao động tại Việt Nam. Nhưng liệu có bao nhiêu người xác định gắn bó, coi đó là một công việc lâu dài, nghiêm túc?

Trang nói với tôi, từ quý 2 đến nay, đồng nghiệp của cô nghỉ việc rất nhiều và qua Tết dự là còn nghỉ nhiều hơn. Nhiều người đang cố cầm cự, không phải để vượt khó mà để nhận nốt hoa hồng. Ít người nhận thấy, càng những lúc thị trường chững lại, thì môi giới phải chuyển động nhiều hơn. Bởi giao dịch ít thì tỷ lệ cạnh tranh sẽ cao hơn. Thế nhưng, rất nhiều trong số đó chỉ biết kêu ca, không thấy làm, không trực dự án, không telesale, chạy quảng cáo thì tiếc tiền mà cũng không có tiền để chạy vì đã tiêu hết.

“Mỗi người một hướng đi. mình chọn hướng này, không có nghĩa hướng làm của người khác là sai. đơn giản là phù hợp. Nhiều người không có điều kiện chạy quảng cáo, nên chăm chỉ trực dự án đón khách. họ rất đáng để khâm phục. Hơn nữa, việc trực dự án cùng đồng nghiệp cũng giúp tôi nắm được nguồn khách thực tế như thế nào, từ đó định hướng nhu cầu khách hàng, đánh giá thị trường để có phương án tư vấn hiệu quả hơn cho từng giai đoạn”, Trang nói.

 

Những môi giới ấy, theo Trang, cần phải xác định lại từ đầu, lý do vào nghề là gì, xác định lại tinh thần và định hướng làm việc. “Nếu muốn theo nghề thì phải kiên trì, bỏ nhiều công sức tìm tòi, học hỏi, mỗi sale phải nên mang một màu sắc riêng. Còn không được thì tốt nhất nên chuyển hướng ngay để tránh lãng phí thời gian. Bởi thị trường năm sau và những năm tiếp theo, cho dù có khôi phục thì việc bán hàng cũng sẽ khó hơn các năm trước. Nhà đầu tư sau mỗi giai đoạn thăng trầm đều trở nên kinh nghiệm và tỉnh táo hơn, cho nên đừng mong ăn xổi, kiếm tiền dễ dàng như trước”, Trang nói.

Trời về chiều trở lạnh hơn. Cuộc nói chuyện giữa tôi với Trang đôi lúc bị cắt ngang bởi những cú điện thoại gọi đến. Mỗi lần như thế, Trang lại một tay ôm cuốn sổ, một tay cầm bút, chiếc điện thoại được cô ghì bên má để kịp ghi lại nội dung từ đó phát ra.

Tôi chấp nhận ngồi đợi Trang có khi cả 10 phút, nhưng lại không hề thấy khó chịu. Bởi tôi nhận ra, giữa lúc thị trường lắm xáo trộn, nhiều u ám như hiện tại, giữa hàng trăm nghìn môi giới, chỉ cần chốt hợp đồng và hoa hồng, thật may mắn cho vị khách nào đó gặp được Trang – một môi giới không tầm cỡ, nhưng làm việc bằng cả cái tâm và sự nhiệt huyết.

 

Nguồn: cafeland.vn
Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-04-18 14:09

VN-INDEX 1,193.01 22.67 -1.86%
HNX-INDEX 226.20 2.63 -1.15%
UPCOM-INDEX 88.15 0.48 -0.55%
VN30-INDEX 1,210.74 21.96 -1.78%
HNX30-INDEX 484.87 11.32 -2.28%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-03-21

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 24781 -0.0121%
EUR/VND 26912 -0.5873%
CNY/VND 3442.0712 -0.0155%
JPY/VND 163.5083 0.000234%
EUR/USD 1.086 -0.5677%
USD/JPY 151.62 0.238%
USD/CNY 7.1995 0.0222%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật