Phạm Văn Duy Thứ Tư, 29/5/2024, 2:49 (GMT+7)
Người theo dõi

Chính sách tài khóa và tiền tệ đã chạm ngưỡng tối đa để hỗ trợ tăng trưởng?

Lãi suất huy động gần như đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm, lãi suất cho vay cũng ở mức thấp cho thấy độ căng của chính sách tiền tệ, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh.

Quan điểm này được ông Linh chia sẻ tại chương trình đối thoại với chủ đề "Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng" hôm 28/5.

Nhà sáng lập Think Future Consultancy ghi nhận Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng. “Trong năm 2024, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đã được căng đến mức tối đa”, ông nói.

Vị này dẫn chứng, với chính sách tiền tệ, sau 4 lần hạ lãi suất liên tiếp trong năm 2023, lãi suất huy động hiện đã xuống mức thấp nhất 20 năm. Tính đến ngày 27/4, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại dao động ở mức khoảng 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với tháng trước và giảm -0,31 điểm % tính từ đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng lãi suất huy động gần như đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm, lãi suất cho vay cũng ở mức thấp cho thấy độ căng của chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng bộc lộ nhiều hạn chế như gây áp lực lên tỷ giá hay vấn đề về các thị trường tài sản khác. Do đó, NHNN gần như đã không còn dư địa để hạ thêm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

Về chính sách tài khoá, mức đầu tư đầu tư xây dựng cơ bản cũng đã tới hạn và không thể tăng lên được nữa. Năm 2024, ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cũng chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn năm 2023 khoảng 100.000 tỷ đồng 

Theo ông Linh, dù Chính phủ đã dùng gần như hết dư địa tài khoá và tiền tệ nhưng tăng trưởng GDP vẫn chưa được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường xuất khẩu bị co hẹp ảnh hưởng đến đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp và đặc biệt là thu nhập của người lao động . Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức cầu tiêu dùng.

Thứ hai là đầu tư tư nhân tăng rất chậm. Trong giai đoạn 2017 -2019, nhờ chính sách về thúc đẩy đầu tư tư nhân khu vực này đã tăng trưởng rất tốt và trở thành đầu kéo tổng đầu tư toàn xã hội. Những các năm gần đây, do bối cảnh khó khăn hậu đại dịch, đầu tư tư nhân giảm rất mạnh./.

Chia sẻ
Báo cáo
D
Phạm Văn Duy Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên