Thứ bảy, 07/01/2023, 11:05

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tiếp tục xây dựng các chính sách 'dĩ bất biến, ứng vạn biến'

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam thường xuyên đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới bằng những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường”.

Là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư càng đặc biệt lưu tâm đến theo dõi, dự báo tình hình bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.

Để hiểu rõ hơn, bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế trong năm 2023. Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.

Trong năm 2022, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, phải khẳng định những biến động của ngoại cảnh là khó dự báo trước và có thể gây ra những tác động khôn lường. Bộ trưởng có cảm thấy muốn làm nhiều hơn thế nhưng lại chưa thể thực hiện được bởi các yếu tố khách quan cản bước?

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều hành theo kịch bản tăng trưởng, gắn với những phân tích chuyên đề và cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiên định thực hiện một số trọng tâm. Thứ nhất, nâng cao năng lực phân tích và dự báo. Thứ hai, chủ động kiến nghị các biện pháp cải cách và điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tâm niệm không dừng ở tham mưu cách thức “ứng phó” với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định phải đi trước một bước với những tham mưu cải cách nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đạt được đã bỏ xa dự báo. Vậy nhờ đâu chúng ta đã vượt qua khó khăn để có được kết quả tốt như vậy và đâu là những điểm hạn chế, cần đáng lưu ý, thưa Bộ trưởng?

Năm qua, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo, tác động của đại dịch COVID-19 lên đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục kéo dài. Kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch nhưng lại phải tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ, nhất là xăng dầu biến động mạnh.

Quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh, dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới và nhiều nước lớn ngày càng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân đạt 3,15%. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên…

Cần phải khẳng định, để vượt qua những khó khăn, đạt được những thành quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Mặc dù, đã hết sức nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, nhưng nền kinh tế năm 2022, đặc biệt là những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, nhất là do tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục biến động phức tạp và khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần những chính sách “dĩ bất biến, ứng vạn biến” gì để ứng phó với bối cảnh nhiều biến động này, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn?

Sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.

Bối cảnh, tình hình thế giới nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động phân tích, cập nhật dự báo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để thích ứng với tình hình, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Cùng với đó là hoàn thiện định hướng phát triển 6 vùng kinh tế, đẩy nhanh công tác quy hoạch, tạo lập không gian, động lực phát triển mới cho các vùng, địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn vốn đầu tư công; tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, cải thiện sức cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện cùng với việc đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Từ đó, không chỉ là vấn đề hóa giải khó khăn, thách thức trước mắt, mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, khả năng tự chống chịu của nền kinh tế trước các yếu tố, thách thức mới từ bên ngoài trong trung và dài hạn.

Năm 2022, do tác động những biến động khó lường của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã chịu các ảnh hưởng không nhỏ. Các thị trường đều gặp những “trục trặc” như: xăng dầu khan hiếm; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp biến động; thị trường bất động sản đóng băng… Thực tế này cho chúng ta bài học gì trong cách điều hành kinh tế của năm 2023, thưa Bộ trưởng?

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam dù đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn chịu tác động sâu sắc từ những biến động nhanh, mạnh của tình hình thế giới.

Từ thực tiễn trong công tác điều hành, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất, bám sát đường lối, quan điểm điều hành của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn.

Thứ hai, trong bối cảnh càng có nhiều khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, chung tay, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu nhưng thích ứng linh hoạt, quyết liệt hiệu quả trong điều hành.

Thứ ba, theo dõi sát, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, bình tĩnh, bản lĩnh, tự tin, chủ động phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ phát sinh.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, “nói đi đôi với làm”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tránh độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa yếu tố nội lực và ngoại lực, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đồng thời hoàn thành mục tiêu năm 2023, chúng ta cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Phải nhìn nhận thẳng thắn, Việt Nam là một quốc gia đang trong hành trình đổi mới và hội nhập với thế giới, từng bước cố gắng thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực. Nền kinh tế của chúng ta có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.

Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình mới.

Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các Nghị quyết triển khai thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, theo tôi chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Nguồn: baotintuc.vn
Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-04-19 22:03

VN-INDEX 1,174.85 18.16 -1.52%
HNX-INDEX 220.80 5.40 -2.39%
UPCOM-INDEX 87.16 0.99 -1.13%
VN30-INDEX 1,194.03 16.71 -1.38%
HNX30-INDEX 467.39 17.48 -3.61%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-03-21

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 24781 -0.0121%
EUR/VND 26912 -0.5873%
CNY/VND 3442.0712 -0.0155%
JPY/VND 163.5083 0.000234%
EUR/USD 1.086 -0.5677%
USD/JPY 151.62 0.238%
USD/CNY 7.1995 0.0222%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật