Người theo dõi

AirAsia và ‘giấc mộng’ chưa thành tại Việt Nam

Thứ Tư, 26/6/2024, 17:51 (GMT+7) 3 phút đọc
Chọn Đông Nam Á làm “cứ điểm”, giới chóp bu AirAsia không ít lần bày tỏ ham muốn có được “license” tại thị trường Việt Nam. Sau 4 lần thất bại, họ vẫn không nản chí…

Mới đây, tờ Bloomberg đã dẫn lời ông Bo Lingam – tân Giám đốc điều hành AirAsia – tiết lộ việc doanh nghiệp này đang thảo luận để thành lập một chi nhánh tại Việt Nam. Cùng với đó, hãng hàng không giá rẻ này cũng tăng cường sự hiện diện tại Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia.

AirAsia chưa thành lập pháp nhân nào tại Việt Nam và mới chỉ khai thác các chặng bay quốc tế trên các tàu bay mang quốc tịch nước ngoài. Hàng tuần, hãng cung cấp trung bình 117 chuyến bay kết nối giữa một số thành phố của Việt Nam với Thái Lan, Malaysia.

Ông Bo Lingam - giám đốc điều hành mới của AirAsia - Nguồn: Bloomberg
Ông Bo Lingam - tân Giam đốc điều hành của AirAsia - Nguồn: Bloomberg

Giới chóp bu AirAsia từng nhiều lần bày tỏ tham vọng thâm nhập thị trường Việt Nam dù biết rõ khó có thể trở thành “tay chơi” lớn nhất.

Trong bài viết được The Edge Malaysia xuất bản hồi tháng 3, ông chủ AirAsia Tony Fernandes nói rằng hãng đang “cố gắng hết sức để có được giấy phép ở Singapore” cũng như Việt Nam. “Chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội bành trướng ở Singapore và Việt Nam? Có lẽ là vậy. Nhưng chúng tôi vẫn muốn trở thành một phần của cuộc chơi, dù có thể không trở thành “tay chơi” lớn nhất”, ông nói.

AirAsia từng 4 lần tìm đường gia nhập thị trường hàng không Việt nhưng đều nhận về “trái đắng”.

Hãng thua Tập đoàn Quantas của Úc trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Họ cũng tìm đến Vinashin, Vietjet Air, rồi Tập đoàn Thiên Minh nhưng “mộng” chẳng thành.

Phần lớn thị phần hàng không Việt Nam hiện vẫn tập trung vào Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Còn Quantas Group, vào tháng 10/2020, đã rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại. Ngày 26/6 tới, Pacific Airlines sẽ cất cánh trở lại trên các đường bay nội địa với đội máy bay Airbus A321.

Trong khi đó, Bamboo Airways – cái tên từng “làm mưa làm gió” trên thị trường hàng không Việt - đang tiến hành “đại phẫu” sau biến cố của nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết.

Tại báo cáo phát hành hôm 27/4, CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) cho biết, tổng dư nợ của Bamboo Airways tại Sacombank (Mã CK: STB) là 3.583 tỷ đồng. Các khoản nợ này được phân loại là nợ Nhóm 1.

Trước đây, tài sản đảm bảo cho khoản vay của Bamboo Airways chỉ là cổ phần và tài sản của FLC, tuy nhiên, cổ đông mới của Bamboo Airways đã bổ sung thêm bất động sản làm tài sản thế chấp./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên